Các khoản thu đầu năm: Giải pháp cho chủ đề nóng mỗi năm học
Vấn đề về quỹ hội phụ huynh tại các trường từ cấp mầm non đến phổ thông là một vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi suốt nhiều năm qua. Vậy phải làm sao cho phù hợp để người thiệt thòi không phải là học sinh?
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP.HCM, "hiến kế" để các khoản thu đầu năm học không còn là chủ đề nóng sau tiếng trống khai giảng.
Theo đó, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng, điều đầu tiên là minh bạch và công khai ra các khoản đóng góp của quỹ phụ huynh. Các trường cần rõ ràng mục đích sử dụng quỹ, các khoản chi tiêu và đảm bảo quỹ hội phụ huynh được sử dụng đúng mục đích, hợp lý. Việc minh bạch giúp phụ huynh cảm thấy tin tưởng và dễ dàng đồng thuận hơn.
Thứ hai, nên điều chỉnh mức thu quỹ phụ huynh hợp lý hơn. Các trường cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh để điều chỉnh mức thu quỹ sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình, tránh tạo gánh nặng tài chính. Có thể áp dụng mức thu khác nhau tùy theo hoàn cảnh của từng phụ huynh, phụ huynh có điều kiện kinh tế thì đóng góp thêm một ít cho hoạt động của học sinh và nhà trường.
Đặc biệt là nên có các hoạt động gây quỹ, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đóng góp của phụ huynh, các trường có thể tổ chức các hoạt động gây quỹ khác như bán hàng gây quỹ, tổ chức sự kiện cộng đồng,... nhằm tăng nguồn thu mà không gây áp lực tài chính lên phụ huynh. Mà điều này cũng được học sinh hưởng ứng.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết: "Để làm điều này, nhà trường nên kêu gọi tài trợ từ phụ huynh là chủ doanh nghiệp, có thể tìm đến các doanh nghiệp địa phương hoặc những tổ chức có mối liên kết với giáo dục để kêu gọi tài trợ. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của trường để nâng cao hình ảnh và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Tổ chức sự kiện xã hội, có thể tổ chức các sự kiện như hội chợ, triển lãm, hoặc ngày hội thể thao mà mọi người có thể tham gia, kết hợp bán hàng hoặc các hình thức giải trí khác. Số tiền gây quỹ có thể đến từ việc bán vé tham dự, vé trò chơi hoặc sự kiện rút thăm may mắn...
Sáng tạo trong cách gây quỹ có thể tạo sức hút hơn. Ví dụ, trường có thể tổ chức các buổi đấu giá các vật phẩm hoặc dịch vụ mà học sinh, phụ huynh hoặc giáo viên có thể đóng góp, chẳng hạn như tranh vẽ của học sinh, dịch vụ dạy kèm, hoặc thậm chí là các buổi hướng dẫn kỹ năng mềm...
Khuyến khích phụ huynh và học sinh tham gia đóng góp công sức. Thay vì chỉ đóng góp tiền mặt, phụ huynh và học sinh có thể đóng góp công sức bằng cách tham gia các hoạt động dọn dẹp, trồng cây, sửa chữa cơ sở vật chất, điều này vừa giúp giảm chi phí cho trường, vừa tạo sự gắn kết với phụ huynh học sinh.
Đặc biệt là kêu gọi sự đóng góp của cựu học sinh, các cựu học sinh thành đạt có thể là một nguồn hỗ trợ lớn cho nhà trường. Trường có thể tổ chức các chương trình kêu gọi sự ủng hộ từ cựu học sinh, những người có khả năng tài chính và tình cảm đặc biệt dành cho trường cũ.
Ngoài ra, các trường có thể liên kết với các tổ chức từ thiện, tổ chức xã hộ, quỹ hỗ trợ giáo dục... các tổ chức này thường có nguồn lực để giúp đỡ những trường hợp cần thiết.
Mục tiêu là tạo ra một môi trường hợp tác giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh và cộng đồng để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho nhà trường, đồng thời khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động mang tính xây dựng thì sẽ bền vững hơn".
Thu tự nguyện, tránh cào bằng
TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Trong bối cảnh đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, Nhà nước không thể có đủ kinh phí để trang bị, xây dựng các trường công lập trên cả nước một cách khang trang, hiện đại, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
Việc chung tay, ủng hộ, tiếp nhận sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các phụ huynh học sinh là điều cần thiết, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên việc ủng hộ, tiếp nhận vật chất để xây dựng nhà trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật phải trên cơ sở các nguyên tắc để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch".
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Các khoản xã hội hóa cần có sự bàn bạc chi tiết, cụ thể và cần có sự đồng thuận lớn của phụ huynh mới triển khai, tuyệt đối không cào bằng. Xã hội hóa rất cần thiết cho nhà trường vì ngân sách có hạn. Tuy nhiên phải thực hiện theo đúng quy định về các khoản trao quà tặng.
Chia sẻ với phụ huynh về việc lo ngại không dám lên tiếng với các khoản thu sai quy định, bà Hằng cho biết: "Phụ huynh cần nắm rõ quy định, thông tư của Bộ, các hướng dẫn chỉ đạo của thành phố và Phòng GDĐT để có chính kiến, ý kiến của bản thân với nhà trường, Phòng, Sở.
Các khoản thu đều trên nguyên tắc tự nguyện, các thầy cô nắm rõ việc này nên sẽ không có tình trạng phân biệt đối xử với học sinh. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn ở các quận nói chung và địa bàn quận Hà Đông nói riêng, các em đều được ủng hộ các khoản như bảo hiểm thân thể, đồng phục, sách giáo khoa... Vì vậy, các phụ huynh hoàn toàn có thể đưa ra ý kiến riêng khi thấy không phù hợp".