Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/12, phóng viên đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương đang xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang nhưng rút ngắn xuống còn 5 bậc. Vì sao tiếp tục sử dụng biểu giá bậc thang mà chưa xây dựng biểu giá hai thành phần? Biểu giá này có ưu, nhược điểm gì và tiền điện với người dùng nhiều có tăng thêm hay không?...
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, phương án giá sinh hoạt theo 5 bậc sẽ phản ánh chi phí, tức phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng; giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Theo ông, chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Qua đó, các hộ dùng điện dưới 710 kWh một tháng (với khoảng 98% số hộ dùng điện) sẽ phải trả ít tiền điện hơn. Ngược lại, các hộ dùng điện nhiều, trên 711 kWh một tháng (khoảng 2% số hộ dùng điện toàn quốc) sẽ phải trả tăng tiền điện.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, góp ý cho biểu giá bán lẻ điện , nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tính tới áp dụng giá điện hai thành phần , gồm giá công suất và điện năng tiêu thụ. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là cơ chế mới, cần nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng để tránh tác động tới các nhóm khách hàng dùng điện. Một số nước đang áp dụng giá điện hai thành phần nhưng chỉ dành cho nhóm sản xuất.
"Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất áp dụng thử nghiệm hai thành phần với một số khách hàng sản xuất, để có cơ sở tính giá bán lẻ điện bình quân, cũng như đánh giá tác động chi phí tới các khách hàng dùng điện", Thứ trưởng Hải thông tin.
Theo dự thảo cơ cấu biểu giá mới, giá điện cho nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh vẫn tính theo giờ thấp, cao điểm. Ông Hải nhận xét việc áp dụng theo thời gian dùng điện trong ngày hiện vẫn phù hợp, góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng dịch chuyển một phần nhu cầu dùng tại giờ cao điểm sang thấp điểm. Qua đó sẽ tiết kiệm được chi phí, còn hệ thống điện giảm phụ tải trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới.
"Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa, dẫn tới khó khăn trong cung cấp điện giờ cao điểm", ông Hải cho hay.
Theo Cafef