Vàng miếng SJC lên lại ngưỡng 90 triệu đồng

Sau phiên giảm hôm qua, giá vàng miếng SJC sáng nay tăng một triệu đồng, lên lại mức 90 triệu đồng mỗi lượng.

Sáng 15/5, sau hai lần thay đổi biểu giá, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá vàng miếng ở mức 87,5-90 triệu đồng mỗi lượng, tăng 1,5 triệu đồng ở chiều mua vào và 1 triệu đồng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.

Biên độ giá mua - bán thu hẹp từ ngưỡng 3 triệu hôm qua xuống 2,5 triệu đồng vào sáng nay.

Tại các nhà vàng khác, kim loại quý cũng điều chỉnh tăng tương ứng. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Phú Quý bán mỗi lượng vàng miếng quanh ngưỡng 89-89,3 triệu đồng, còn Bảo Tín Minh Châu và Mi Hồng giao dịch bằng giá SJC.

Giá nhẫn trơn cũng nhích nhẹ theo vàng miếng. Mỗi lượng nhẫn 24K tại SJC sáng nay tăng 300.000 đồng cả hai chiều mua - bán, hiện giao dịch ở mức 74,9-76,6 triệu đồng.

Vàng miếng

 

Trên thị trường quốc tế, giá vàng cũng đi lên. Mỗi ounce vàng sáng nay giao dịch ở ngưỡng 2.360 USD, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank khoảng 72,5 triệu đồng mỗi lượng.

Theo đó, giá vàng miếng SJC trong nước đang chênh hơn 17 triệu đồng so với thế giới.

Hôm qua, phiên đấu thầu lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ghi nhận sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia cũng như lượng vàng cung ứng ra thị trường. Tám doanh nghiệp mua vào 8.100 lượng vàng miếng với giá 87,7 triệu đồng một lượng.

Phiên 14/5 cũng là phiên ghi nhận lượng vàng miếng trúng thầu cao nhất (hai lần trước mỗi phiên chỉ 3.400 lượng). Như vậy, thông qua ba lần đấu thầu thành công, nhà điều hành đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng.

Vàng miếng

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) lý giải nguồn cung vàng miếng khan hiếm là lý do lớn nhất khiến mặt hàng này chênh lệch cao so với thế giới, đặc biệt vào những thời điểm nhu cầu trong nước đi lên.

Về lý thuyết, việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung trong dài hạn để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, thị trường đang có những phản ứng "ngược" trong ngắn hạn. Một số phiên đấu thầu đầu tiên được đánh giá không thành công, bị chê giá cao, lượng trúng thầu "nhỏ giọt" khiến người dân tin rằng giá vàng miếng càng đi lên.

Thay vì hiểu theo cơ chế nguồn cung tăng trong dài hạn thì giá sẽ giảm, nhiều người cho rằng Ngân hàng Nhà nước bán giá cao, doanh nghiệp cũng phải bán giá cao, đẩy giá tăng.

Sau phản ứng của thị trường, Ngân hàng Nhà nước gần đây khẳng định tăng tần suất đấu thầu để tăng nguồn cung phù hợp ra thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý này cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch giai đoạn này để tránh rủi ro.

Theo VnExpress