Trào lưu dùng quạt hơi nước tự chế nguy cơ nhiễm khuẩn, chập cháy

Những ngày vừa qua thời tiết nắng nóng cao độ, điện lưới mất liên tục. Để đối phó với cái nắng nóng nhiều người đã tự chế ra quạt hơi nước. Tuy nhiên theo các bác sĩ, sản phẩm này ít nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, Nguyễn Hoài Sơn (29 tuổi), ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho hay, để tiết kiệm chi phí cũng như có được những cơn gió mát mẻ, Sơn đã chế quạt hơi nước bằng cách đục lỗ nhỏ trên thùng xốp rồi gắn một chiếc quạt mini (để hút gió vào), kế bên là ống nhựa để hơi nước thoát ra. Bên trong thùng xốp, Sơn bỏ nước và đá vào. Tuy nhiên, mới sử dụng được 5 ngày mà mắt bị đỏ, da thì nổi mẩn ngứa, dị ứng, ho mặc dù mình không uống nước đá.Lo sợ bệnh nặng hơn nên đã dẹp bỏ thiết bị này.

Tương tự, Nguyễn Ngọc Tài (23 tuổi), trọ ở hẻm 117 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM cũng tắt máy lạnh, sử dụng quạt hơi nước do mình tự chế khi nghe tin giá điện tăng.

quat-hoi-nuoc-2.jpeg

Sử dụng quạt hơi nước tự chế có thể gây dị ứng, đỏ mắt. Ảnh: Thanh Niên

Tài nói: "Mình thì làm quạt hơi nước đơn giản, lấy hai chai nước suối cỡ lớn đã qua sử dụng, rồi đục lỗ nửa chai và cột sau cánh quạt thật chắc chắn, trong chai mình bỏ nước và đá vào. Tuy nhiên, khi mình sử dụng được vài ngày thì da mình ngứa. Đồng thời, hơi nước bốc ra từ chai rơi vào quạt máy, nguy hiểm vô cùng, do đó mình đã tháo ra".

Hiện trên mạng xã hội không khó bắt gặp các clip "truyền đạt" cách làm quạt hơi nước tại nhà tự phát, điều này gây nguy hiểm đối với sức khỏe, thậm chí còn dễ dẫn đến cháy nổ do chập điện.

Theo bác sĩ đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt, công tác tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cho hay nguyên tắc điều hòa tự chế có cơ chế hoạt động giống quạt hơi nước, quạt phun sương đang được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, khi sử dụng điều hòa tự chế, mọi người sẽ không làm chủ được nhiệt độ lạnh. Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu để lạnh quá mức. Bên cạnh đó, vùng làm mát của điều hoà tự chế khá hẹp buộc người dùng phải ngồi gần để cảm nhận luồng gió mát. Việc này dễ gây ra các bệnh về đường hô hấp, như: ho, viêm họng, thậm chí viêm phổi nếu ngồi quá lâu.

Còn theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên chuyên ngành tai – mũi – họng, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cảnh báo, người sử dụng quạt hơi nước tự chế như trên mạng thì cẩn thận hiểm họa đang rình rập chính mình vì thiết bị này làm độ ẩm trong phòng tăng cao, có thể tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại cho sức khỏe có cơ hội phát triển. Đặc biệt, những người đề kháng thấp, rất dễ mắc các bệnh tai, mũi, họng do không khí ẩm thấp. Một số người khi tiếp xúc gần hơi lạnh từ quát máy hơi nước tự chế cũng khiến làn da trở nên khô ráp, khó chịu.

"Nếu sử dụng nguồn nước hoặc đá bẩn để chạy điều hoà cũng gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Chúng tồn tại sẵn vi khuẩn gây bệnh, khi thổi ra ngoài không khí, vi khuẩn cũng phát tán theo và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, thùng nước đá nếu không được vệ sinh hàng ngày sẽ trở thành nguồn nước bẩn, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển và gây bệnh", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh nói.

quat-hoi-nuoc-tu-che.png

Lạm dụng dùng quạt hơi nước tự chế có thể gây nhiễm khuẩn, chập cháy. Ảnh: Thanh Niên

Nói tới trào lưu dùng hơi nước tự chế, ThS.BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cũng chia sẻ trên ZingNews, trào lưu này là một trong những giải pháp tạm thời, sáng tạo, tiết kiệm tiền điện. Tuy nhiên cần lưu ý một số điều để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

Nếu môi trường nhiều bụi bặm, ô nhiễm thì những hạt bụi, vi trùng này sẽ bám vào những hạt sương, hạt hơi nước li ti. Khi hít vào, chúng rất dễ gây nhiễm trùng vùng mũi họng và thanh, khí, phế quản.

Cách làm mát này không được “điều hoà” như máy lạnh, vì thế sẽ làm cơ thể dễ bị nhiễm lạnh nếu lạm dụng. Ngoài ra, hơi lạnh từ những cục đá (thường là không vô khuẩn) bay lên bám vào dụng cụ trong phòng, đồ đạc lâu ngày sẽ bị ẩm dễ sinh sôi nấm, mốc… Đây là những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng rất nặng, viêm da cơ địa, hen suyễn tái phát.

Lưu ý, không nên sử dụng phương pháp này nếu nhà có trẻ em vì cơ thể trẻ chưa thích nghi hoàn hảo, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm lạnh. Khi dùng cách làm mát này như một giải pháp tạm thời thì nên mang thêm khẩu trang, đặt máy quạt hướng sau lưng, không để thổi trực tiếp vào mặt. Đặc biệt, không nên sử dụng cách làm mát này lâu dài.