Tiếp sức mùa thi 2024: Phụ huynh nên tăng cường đồng hành với con trong khoảng thời gian này

Cuộc cạnh tranh vào lớp 10 năm nào cũng khốc liệt khiến không ít học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng. Càng gần thi, lịch học dày đặc khiến áp lực ngày càng lớn hơn. Vậy làm thế nào để học sinh giải tỏa áp lực, giảm bớt căng thẳng trong giai đoạn sắp bước vào kỳ thi?

Muôn vàn nỗi sợ khi ngày thi đến gần

Chỉ còn khoảng hơn 1 tuần nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM, nhiều học sinh đang "chạy đua" với việc ôn tập nên lịch học kín mít cùng với áp lực, lo lắng ngày càng gia tăng.

truoc-moi-ky-thi-quan-trong-thi-sinh-thuong-co-tam-ly-lo-lang-cang-thangthao-phuong-onl-17164685981531350446495.jpg

Trước mỗi kỳ thi quan trọng, thí sinh thường có tâm lý lo lắng, căng thẳng

Đỗ Tố Uyên, học sinh Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), tâm sự: "Hiện tại, trên trường em không phải học quá nhiều mà chỉ ôn tập 3 môn chính. Thế nhưng, vì kỳ thi đang đến gần nên bản thân em và các bạn đều có lịch học thêm khá dày đặc để ôn tập một cách tốt nhất. Vì vậy, mỗi ngày em đều học và ôn thi từ 15 - 16 tiếng".

Uyên cho biết thời gian này, ngày nào cũng thức học bài đến 1 - 2 giờ và dậy từ lúc 5 giờ sáng để ôn bài trước khi đến trường. Dù học ngày, cày đêm nhưng Uyên vẫn rất sợ sẽ bị trượt suất vào trường công lập.

"Em sợ mình không đậu nguyện vọng 1 hay tệ hơn là có thể trượt khỏi trường công lập. Vì số lượng thí sinh đông, tỷ lệ cạnh tranh cao. Có những hôm sau khi học bài xong, chuẩn bị đi ngủ thì em lại trằn trọc, lo lắng đến nỗi mất ngủ. Em sợ lỡ không đậu lớp 10 thì mình sẽ như thế nào, ba mẹ thất vọng ra sao", Uyên bày tỏ.

Cũng đang "chạy đua" với thời gian để ôn tập "nước rút", chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới, trong thời gian này, lịch học của Trương Ngọc Như Ý, học sinh Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), dày đặc như chạy show.

"Hiện tại, ở trường em đã tăng tiết học của 3 môn chính: toán, ngữ văn, tiếng Anh. Còn ở lớp học thêm, thầy cô cũng tăng thời gian học lên. Cho nên buổi tối, em đi học thêm đến tận 9 giờ mới về. Lúc trước, một tuần em được nghỉ 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, còn bây giờ thì lịch học kín mít", Như Ý chia sẻ.

Cũng như bao bạn bè đồng trang lứa khác, càng gần ngày thi thì sự lo lắng và áp lực của Như Ý càng tăng. "Em sợ làm bài không tốt, điểm thấp và không đậu vào trường mình yêu thích. Em cũng lo lắng về những yếu tố như sức khỏe, tâm lý phòng thi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài làm của mình", cô nàng bày tỏ.

Tương tự, cũng học từ sáng đến tối, cả tuần không được nghỉ buổi nào để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, Lê Quốc Bảo, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), kể: "Một ngày học của em bắt đầu từ 7 giờ 15 phút và kết thúc lúc 23 giờ 30 phút. Thời gian này, em chỉ toàn ở trường và lớp học thêm. Có những hôm mệt quá nên khi nghe thầy cô cho về em mừng muốn khóc".

Bảo đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, nguyện vọng 2 vào THPT Nguyễn Thái Bình, nguyện vọng 3 vào THPT Nguyễn An Ninh. Sau khi tìm hiểu, Bảo cho biết năm nay các trường mà em đặt nguyện vọng có tỷ lệ chọi cao nhất trong 3 năm trở lại đây. "Vì vậy, vấn đề em đang lo lắng nhất là về điểm số, chỉ tiêu và tỷ lệ chọi của các trường đã đặt nguyện vọng", Bảo tâm sự.

Làm gì để giải tỏa áp lực ?

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, càng đến ngày thi, thông thường tâm lý của các em sẽ rất nôn nao và lo lắng. Điều này, làm cho các em dễ xuất hiện cảm giác kiến thức nào cũng mới, bài nào cũng lạ và càng học càng thấy thiếu. Nhiều bạn mang tâm lý "chạy nước rút" nên nhồi nhét, cố gắng "còn nước còn tát" làm cho hiệu quả học tập càng không cao.

Vì vậy, thạc sĩ Đào Lưu đưa ra lời khuyên: "Trong giai đoạn nước rút này, các em cần lưu ý đến việc nghỉ ngơi, thư giãn và có thời gian biểu hợp lý. Nên có những khoảng nghỉ giải lao giữa các giờ học. Luyện tập thể dục thể thao, thậm chí tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh là một điều cần thiết. Các em cũng có thể chơi game, tán gẫu với bạn bè để giảm áp lực. Tuy nhiên, cũng lưu ý nội dung tán gẫu vì có đôi lúc chúng ta trò chuyện và so sánh việc học hành ôn luyện với nhau lại nảy sinh những áp lực không cần thiết".

Thạc sĩ Đào Lưu cũng chia sẻ thêm: "Đối với các bậc phụ huynh, có thể tăng cường đồng hành với con trong khoảng thời gian này. Bên cạnh động viên con học hành và nhắc nhở nghỉ ngơi thư giãn thì không nên so sánh hoặc tạo áp lực phải "chạy nước rút" với con. Nhẹ nhàng chia sẻ và để ý đến những thay đổi bất thường của con để tránh những điều không hay có thể xảy ra. Phụ huynh cũng cần trang bị cho con ngay từ bây giờ một tâm thế sẵn sàng nếu kết quả thi không được như mong muốn. Quan trọng hơn hết, cha mẹ cần đảm bảo cho con những điều kiện tốt nhất trước ngày thi như chế độ dinh dưỡng, tạo môi trường, không gian học tập thuận lợi. Chính sự đồng hành của quý phụ huynh sẽ là động lực rất lớn cho các con".