Thu giữ số lượng lớn bia Heineken và đường kính không rõ nguồn gốc

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã thu giữ gần 2.000 chai bia Heineken và 15 tạ đường kính không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Quảng Trị đã phối hợp với Trạm CSGT Hải Lăng dừng khám phương tiện ô tô khách BKS 74B 00XXX do ông L.R (địa chỉ: phường 5, Thành phố Đông Hà) điều khiển.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang chở 1.500 kg đường kính trắng loại 50 kg/bao do Thái Lan sản xuất và 1.920 chai bia Heineken loại 250ml/chai, 5%vol do Pháp sản xuất được che đậy bởi các túi hành lý của khách hàng với tổng trị giá tang vật vi phạm là 41.130.000 đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, toàn bộ hàng hoá trên không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá, không có công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.

Làm việc với lực lượng chức năng, hành khách trên xe là bà N.T.T và bà H.T.M.H (đều thường trú tại tỉnh Quảng Trị) thừa nhận là chủ sở hữu của số tang vật nêu trên.


Thu giữ số lượng lớn bia Heineken và đường kính không rõ nguồn gốc. Ảnh tư liệu
 

Vụ việc này hiện Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo lực lượng chức năng, hiện nay hành vi mua bán, vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến cả trong lẫn ngoài nước. Việc mua bán hàng hóa diễn ra tùy tiện mà không có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống người dân. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hành vi vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Theo pháp luật hiện hành, hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là vận chuyển hàng hóa không xác định được nguồn gốc sản xuất hoặc nơi thực hiện các quy trình chế biến. Theo đó, hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ được lưu thông trên thị trường và đến tay người tiêu dùng làm giảm chất lượng cuộc sống gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Theo đó, tại khoản 5 điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành".

Đối với tội vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt như trên kèm theo xử phạt hành chính tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP:

Xử lý vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa có giá trị nhỏ hơn 1.000.000 đồng: 

Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa.

Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hàng hóa không có hóa đơn.

Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung cho những trường hợp vi phạm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả khi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: Buộc tịch thu tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa, thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này. Buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được nhờ thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Nếu vi phạm một trong những nội dung trên, không có giấy tờ chứng minh bạn phải chịu xử phạt theo quy định của nhà nước ban hành.

Theo Vietq.vn