Thị Trường 31/5 Ảm Đạm, Vn-Index Vẫn Trong Sắc Đỏ

Thị trường bước vào phiên giao dịch cuối tuần (ngày 31/5) với tâm lý thận trọng bao trùm khiến giao dịch ảm đạm kèm thanh khoản giảm.
image_2024-05-31_163302413.png
Diễn biến VN-Index

Trong phiên cuối tuần, VN-Index phục hồi tăng điểm nhẹ đầu phiên nhờ lực cầu bắt đáy khá tích cực. Giữa phiên sáng có ghi nhận giằng co quanh tham chiếu nhưng cũng nhanh chóng lấy lại đà nhờ sự nâng đỡ của một số cố phiếu tăng điểm tốt. Đến gần cuối phiên sáng và giữa phiên chiều, thị trường lại có diễn biến trồi sụt quanh tham chiếu khi dòng tiền đứng ngoài thị trường. Cuối phiên, áp lực chốt lời gia tăng khiến VN-Index hụt hơi giảm điểm.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB và BID là gánh nặng chính khi lấy đi gần 3 điểm của chỉ số chung, kết phiên lần lượt giảm 1,58% và 1,26%. Trong khi EIB vẫn là mã tăng tốt nhất dù biên độ thu hẹp đáng kể khi kết phiên chỉ tăng 1,27% lên mức 19.950 đồng/cổ phiếu và thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh.

Thanh khoản trong phiên cũng ở mức thấp so với các phiên trong tuần cho thấy tâm lý thận trọng được dâng cao hơn. Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt 21.065 tỷ đồng.

Khối ngoại vẫn chưa kết thúc chuỗi bán ròng, với tổng giá trị bán ròng đạt 1.399,12 tỷ đồng, với các mã được tập trung bán ra là MBB, VRE, VHM.

image_2024-05-31_163218340.png
Bản đồ thị trường

Chốt phiên, VN-Index giảm 4,60 điểm (-0,36%), xuống 1.361,72 điểm, với 198 mã tăng và 222 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 771,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 18.740 tỷ đồng, giảm 26,6% về khối lượng và 27,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 153,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 3.294 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,38%), xuống 243.09 điểm, với 93 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,85 triệu đơn vị, giá trị đạt hơn 1.354 tỷ đồng, giảm 47,2% về khối lượng và 50,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị đạt 93 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%), xuống 95,8 điểm, với 130 mã tăng và 152 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96 triệu đơn vị, giá trị đạt 972 tỷ đồng, giảm 47,2% về khối lượng và 65,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3 triệu đơn vị, giá trị đạt 36 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều lình xình quanh mốc tham chiếu. Trong đó, VN30F2406 đứng giá tham chiếu 1.270 điểm, khớp hơn 202.770 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.490 đơn vị.

Thị trường trong tuần vẫn duy trì được biên độ sideway 1.260 - 1.280 nhưng đồng thời cũng ghi nhận diễn biến rung lắc mạnh hơn so với tuần trước (sideway - là trạng thái xảy ra khi giá chứng khoán đi ngang trong một biên độ ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể). Lực cầu hưng phấn giúp thị trường tăng điểm tốt trong 2 phiên đầu tuần, sau đó áp lực bán gia tăng mạnh vào phiên ngày 29/5 khiến VN-Index trượt điểm. 2 phiên cuối tuần là nỗ lực cân bằng lại để thị trường duy trì được động lực và diễn biến sideway. Nhóm cổ phiếu trụ trong tuần điều chỉnh diện rộng nên VN-Index thiếu đi trụ nâng đỡ.

Thêm vào đó, chỉ số chung đang ở khu vực đỉnh cũ và chưa bứt phá lên vùng điểm cao hơn khiến tâm lý nhà đầu tư thêm phần thận trọng trong tuần. Tuy nhiên, điểm tích cực là dòng tiền đã có sự phân hóa tốt trong tuần khi luân chuyển sang nhóm mid-cap và small-cap.

Đánh giá về diễn biến thị trường phiên hôm nay, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường hiện tại vẫn duy trì được biên độ sideway, tuy nhiên, thanh khoản cùng dòng tiền đang chưa thực sự vận động nhất quán nên xác suất điều chỉnh rung lắc bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra.

VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ tư duy phòng thủ, có phương án hành động kịp thời nếu rung lắc bất chợt diễn ra, đồng thời canh những nhịp hồi phục để chốt lời những mã đã đạt mục tiêu, hạn chế giải ngân ở thời điểm hiện tại và kiên nhẫn chờ những tín hiệu xác nhận rõ ràng hơn của thị trường.

 

Theo Tài chính tiền tệ