Nhiều địa phương phát hiện và bắt giữ lượng lớn mỹ phẩm lậu

Tổng cục QLTT cho biết, tỉnh Lạng Sơn và Bình Đình thời gian gần đây đã kịp thời phát hiện và bắt giữ nhiều lô hàng là các sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đang được vận chuyển đi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, theo thông tin đăng tải trên website của Tổng Cục QLTT, vào ngày 14/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 6 chủ trì và phối hợp Đội 3 Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức Khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô khách loại 16 chỗ biển kiểm soát 29B-141.19 đang dừng đỗ khu vực thôn Yên Thành, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm khám phương tiện, phát hiện trong khoang chở khách của xe ô tô có cất giấu 02 loại hàng hóa thuộc nhóm hàng mỹ phẩm với 310 đơn vị sản phẩm đều có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hàng hóa chưa được kiểm định chất lượng của cơ quan y tế.

Qua đấu tranh, xác minh làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc, xác định ông Trần Đình Thơi sinh năm 1976, thường trú tại thôn Quyết Thắng, xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là lái xe và chủ sở hữu của số hàng hóa nêu trên.

my pham nhap lau

 

 

Khai nhận với tổ công tác, chủ lô hàng vi phạm cho biết, mặc dù biết số hàng hóa trên có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng, không đảm bảo an toàn sử dụng nhưng ông Trần Đình Thơi vẫn mua trôi nổi tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ kiếm lời.

Tổng trị giá số hàng hoá vi phạm nêu trên là 18.000.000 đồng.

Trước những vi phạm nêu trên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Đình Thơi 12.000.000 đồng về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức phạt và buộc ông Trần Đình Thơi tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm không đảm bảo an toàn sử dụng theo quy định của pháp luật. 

Gần đây hơn, vào các ngày 15/8/2022 và 16/8/2022, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng PC03 – Công an tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 03 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận rất nhiều các mặt hàng mỹ phẩm, chủ yếu là son môi, sữa rửa mặt, phấn trang điểm, chì kẻ mắt,...với các nhãn hiệu innisfree, 3CE, Black Roug Airfitvelvet,...

my pham nhap lau 1

 

Kiểm tra các sản phẩm, lực lượng chức năng xác nhận trên các sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 600 sản phẩm, với tổng trị giá hàng hóa gần 100.000.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 3 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm nêu trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Theo các quy định hiện hành tại Việt Nam, việc không xuất trình được hóa đơn trong một số hoạt động mua bán hàng hóa có thể khiến các bên bán và mua phải chịu xử phạt hành chính.

Tại Khoản 1, Điều 18 của Thông tư 39/2014/ TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định: “Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.” Điều này đồng nghĩa rằng: các hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tổng giá thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì bắt buộc bên bán phải lập hóa đơn cho bên mua.

Nếu các hàng hóa thuộc quy định trên không có hóa đơn, chứng từ, thì theo Điều 21, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định các hành vi hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ thì sẽ bị xử phạt theo các mức như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 400 nghìn đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá dưới 1 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 1- đến dưới 2 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 2 - dưới 3 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 3 - dưới 5 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 10 - dưới 20 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 5 -7 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 20 - dưới 30 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 7 - 10 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 30 - dưới 40 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 50 - dưới 70 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 70 - dưới 100 triệu đồng.

- Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Áp dụng với trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, tại Khoản 13, Điều 21, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, Chính Phủ khẳng định sẽ phạt tiền gấp đôi các mức phạt trên đối với người sản xuất, nhập khẩu nếu vi phạm hành chính hay mắc phải các sai phạm quy định tại khoản này.

Theo Sở hữu trí tuệ & Sáng tạo