Nhà di động trên mặt nước độ từ thuyền cũ nát, dùng pin mặt trời, có Internet vệ tinh

Một người đàn ông ưa mạo hiểm đã tự mình biến chiếc thuyền “đồng nát” gần như không thể sử dụng được thành một ngôi nhà di động bền vững trên mặt nước.

Simon Stiles, người Canada, đã đi du lịch khắp Bắc Mỹ nhiều năm bằng xe tải và môtô, nhưng anh vẫn chưa thỏa mãn.

Hầu hết mọi người chọn những chiếc xe hay con thuyền tốt nhất có thể mua được, thay đổi vài thứ cho thoải mái hơn, sau đó lên đường.

656-bien-thuyen-cu-thanh-nha-di-dong-tren-mat-nuoc-1-16593396497632010514839.jpg
Căn nhà di động được hình thành từ một con thuyền cũ

Nhưng Simon không vội vàng. Anh vừa sống trên thuyền vừa sửa. Đã nhiều năm trôi qua và quá trình này vẫn chưa hoàn thành, nhưng đối với anh, đây chính là kết quả của tình yêu và trải nghiệm sống, không phải chạy theo xu hướng thời thượng.

Anh vẫn chưa thể cho con thuyền đi xa, nhưng đã đủ để đi quanh khu vực eo biển Georgia - đoạn hẹp giữa đảo Vancouver và phần đất liền phía tây nam của British Columbia, Canada, dài khoảng 222km và rộng 28km.

Nhà di động của anh được xây dựng từ một con thuyền cũ nát đến mức rất hiếm người sẵn sàng trả 3.900 USD để mua lại về độ.

Con thuyền dài 14,3m, đã bị “vắt kiệt sức lao động” suốt 12 năm, nhưng có một quá khứ huy hoàng: 3 lần vượt Thái Bình Dương.

Được đặt tên là Old Dog, đây là chiếc thuyền kiểu catamaran (thuyền hai thân) của Công ty Wharram Oro 47, lấy cảm hứng từ những chiếc xuồng của người Polynesia (sống ở châu Úc).

Tự học mọi thứ, Simon từng bước sửa đổi con thuyền: Thay thế sống thuyền (chạy dọc chiều dài con thuyền ở trục giữa từ mũi đến lái, tạo lực chính cho khung thuyền), cạo bỏ những lớp sơn cũ rỉ, thay boong.

Anh còn loại bỏ cả động cơ. Một số người chỉ trích điều này, vì động cơ vẫn hoạt động bình thường. Nhưng Simon quyết tâm “sống xanh”. Theo anh, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời và pin lithium ngày nay đã có giá thành hợp lý hơn. Thêm vào đó, anh không muốn bị giới hạn bởi bình nhiên liệu khi đi xa.

657-con-thuyen-dung-nang-luong-sach.jpg
Dù động cơ vẫn hoạt động, Simon đã loại bỏ để sử dụng năng lượng sạch hơn

Old Dog hiện có 16 tấm pin mặt trời công suất 330W mỗi tấm, và một động cơ HP EV AC 12 kW, đủ để cung cấp năng lượng cho mọi thứ có trên tàu, bao gồm bếp cảm ứng, máy lọc nước và máy giặt, cộng với tốc độ 3,5 hải lý/giờ (hay 6,4 km/h).

Vào mùa hè, anh có đủ năng lượng mặt trời để đi được 50 km qua eo biển Georgia. Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào trời cũng nắng, đó là lý do Simon dự định sử dụng thêm năng lượng gió.

Gần đây, anh đã lắp cột buồm cho con thuyền và hiện đang làm việc với các chuyên gia chèo thuyền để thiết kế những cánh buồm tùy chỉnh.

Khá bất ngờ, bếp chiếm một không gian lớn bởi Simon thích nấu nướng. Vì vậy, anh không bận tâm khi những không gian khác có phần chật hẹp hơn.

Về cơ bản, căn nhà trên mặt nước này có một khu tiếp khách ấm cúng, một phòng tắm, hai buồng lái. “Nhà” được sưởi ấm bằng bếp lò làm bằng thép không gỉ do anh tự chế tạo. Nhưng anh đang tính thay bằng lò điện.

Ngoài ra, có lẽ Simon sẽ trở thành một trong những người đầu tiên lắp đặt Internet vệ tinh Starlink cho con thuyền. Khi hoàn thành, con thuyền sẽ thực sự được nâng cấp thêm một bậc.

658-ben-trong-can-nha-chay-bang-nang-luong-mat-troi.jpg
Do vừa làm vừa ở, nội thất căn nhà vẫn còn khá lộn xộn, nhưng khi hoàn thành, đây sẽ là một tác phẩm thủ công ấn tượng - Ảnh: Autoevolution

Ngay cả khi Old Dog chưa hoàn thành, đó là một trong những tác phẩm thủ công đầy thu hút khi hài hòa được cả yếu tố lịch sử, năng lượng sạch, công nghệ hiện đại.

Cuộc phiêu lưu của Simon thực sự chứng minh rằng, với “nhà di động”, dù là trên mặt nước hay đất liền, hành trình, chứ không phải điểm đến, mới thực sự quan trọng.

Theo: Tuổi trẻ