Chỉ 1/3 trẻ biết sử dụng mạng an toàn
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng đài 111 đã nhận được hơn 282.000 cuộc gọi. Trong đó có 287 cuộc gọi về các vụ việc xâm hại trên môi trường mạng. Đáng chú ý là có những vụ việc trẻ em bị dụ dỗ chụp ảnh khỏa thân.
Thực tế, trong thời gian qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi phản ánh về tình trạng bị bóc lột và quấy rối trên môi trường mạng. Gần đây nhất, tổng đài 111 đã liên tục nhận được cuộc gọi của bé gái (giấu tên) thường xuyên bị quấy rối bởi các số điện thoại lạ: “Hình ảnh của em được phát tán trong một group kín trên nền tảng Telegram. Hậu quả là em nhận được vô vàn tin nhắn với hỏi đòi thêm hình ảnh, nhiều tin nhắn bịa đặt, bình luận tục tĩu, gây sốc. Ban đầu em nghĩ là xóa được ảnh thì mọi chuyện sẽ chấm dứt, nhưng thực tế là mọi thứ không dừng lại, em bị quấy rối và cuộc sống bị xáo trộn rất nhiều”.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng đài 111 đã nhận được hơn 282.000 cuộc gọi. Trong đó có 287 cuộc gọi về các vụ việc xâm hại trên môi trường mạng. Đáng chú ý là có những vụ việc trẻ em bị dụ dỗ chụp ảnh khỏa thân. Những tác động và ảnh hưởng từ "thế giới ảo" đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm. Trẻ em có thể là nạn nhân, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet.
Ðây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các em gái khi đăng ảnh trên mạng xã hội (Facebook, Instagram…) bị những kẻ "ẩn danh" lấy cắp, rồi đăng vào những nhóm kín, hoặc những trang web đen. Nhiều nạn nhân sau đó bị gọi điện thoại, quấy rối, thậm chí có nạn nhân bị xâm hại tình dục, mà không biết rằng khi tự cung cấp quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có thể đem lại sự nguy hiểm cho chính bản thân.
“Tính từ năm 2020 đến nay, trẻ em và người lớn chăm sóc trẻ gọi đến để trao đổi về những trường hợp trẻ bị xâm hại trên mạng có xu hướng tăng. Năm 2020, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chiếm khoảng hơn 2% trong số những cuộc gọi tư vấn và can thiệp chuyên sâu. Đến năm 2021, tỷ lệ này chiếm khoảng 3,5 % và trong 6 tháng đầu năm 2022 thì tỷ lệ này đã hơn 4 %” - bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết.
Báo cáo Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại – bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng do Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện cho thấy, 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua. Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.
Đáng lo ngại, 43% không nói với ai rằng việc này đã xảy ra, chủ yếu vì trẻ cho rằng sẽ chẳng giải quyết được việc gì/chẳng làm được gì nếu các em kể lại vụ việc đó. Có đến 5% trẻ từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Gần một nửa trong số này đã không kể với ai.
“Chỉ 36% trẻ tham gia khảo sát đã được dạy về vai trò quan trọng của việc giữ an toàn trên mạng, trong khi đó hiện tại việc bảo vệ trẻ trước môi trường mạng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Đây là thực trạng đáng lo ngại và cần phải được quan tâm đúng mức” - báo cáo nêu rõ.
Tạo dựng “bức tường lửa”
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định thành lập Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đây là một trong những những đầu mục hoạt động Bộ triển khai tại Quyết định 2264/QĐ-BTTTT nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong thời gian tới.
Song từ thực tế cho thấy, để triển khai được các hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ quan Chính phủ mà cần sự chung tay, phối kết hợp của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả nhất cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Song hiện nay, công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Để bảo vệ trẻ em, ngoài hành lang chế tài, gia đình, nhà trường... phải là những “bức tường lửa” để giúp trẻ đứng vững trước những nguy cơ của thế giới mạng.
Chung quan điểm, TS tâm lý Lê Thị Thu Thủy cũng cho rằng, để nuôi dạy con trẻ hiệu quả và an toàn hơn trong một thế giới số, các bậc phụ huynh cần đồng hành cùng con với tinh thần cởi mở và hiểu biết, thay vì cấm đoán. Cha mẹ nên trò chuyện có trách nhiệm với con về những lợi ích và rủi ro khi tham gia không gian mạng để con tự do thử nghiệm trong phạm vi cho phép và rút ra bài học cho riêng mình. Thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần bổ sung kiến thức để khi con cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con. Bên cạnh đó về mặt quản lý, ngành chức năng cần kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em.
“Để tạo màng lọc cho môi trường Internet của trẻ em được lành mạnh thì cần nỗ lực từ nhiều phía. Và chỉ khi nào toàn xã hội vào cuộc tích cực "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới thực sự vững chắc, an toàn” - TS Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD:
Đồng hành cùng trẻ trên môi trường mạng
Trên không gian mạng, những mối nguy hại luôn xuất hiện mới với nhiều chiêu thức phức tạp, tinh vi, khó lường. Chưa kể, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, của các nền tảng mạng xã hội, sự xâm nhập cũng như tác động của những mối nguy hại này luôn nhanh hơn những biện pháp mà người lớn có thể kiểm soát và bảo vệ, trong khi khả năng tự bảo vệ của trẻ em để được an toàn trên không gian mạng là rất yếu ớt.
Tuy nhiên, nếu như trẻ em được trang bị kiến thức kỹ năng số, có quyền lợi, có trách nhiệm thì các em sẽ phát triển một cách toàn diện hơn. Chính các em mới là người tạo nên sự thay đổi để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và an toàn. Đã đến lúc cần phải phổ cập kỹ năng số cho trẻ em, và cả những giáo viên để tạo nên "sức đề kháng", tự chống chọi những rủi ro trên môi trường mạng. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần có những chương trình mang tính chất quốc gia về việc đào tạo đội ngũ giáo viên có kỹ năng để hỗ trợ cho cha mẹ đồng hành cùng con đối với các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.
Hiện tại, Việt Nam đã có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nhưng với những vấn đề mới phát sinh trên môi trường mạng, cần những đơn vị có chuyên môn sâu hơn. Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần đồng hành với trẻ, trên quan điểm tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ chứ không phải là ngăn cấm. Sử dụng internet là quyền lợi của trẻ em, vì vậy cần trang bị kiến thức để trẻ khai thác quyền lợi này một cách hợp lý, hợp pháp và đúng định hướng.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH:
Cần tạo vaccine số cho trẻ em
Để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, công tác phòng ngừa là quan trọng nhất. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, việc hạn chế hay là việc cấm trẻ em, cấm học sinh tham gia môi trường mạng là không phù hợp. Quan trọng là chúng ta phải tạo vaccine số cho trẻ em để các em có thể tăng được sức đề kháng, sức phòng ngừa, tự bảo vệ được mình, tự phân loại được những nội dung nào là phù hợp với lứa tuổi và biết các địa chỉ cần thông báo, phản ánh khi tiếp xúc những nội dung, clip mà không tuân theo tiêu chuẩn cộng đồng của các nhà mạng hoặc vi phạm cái quy định của pháp luật Việt Nam.
Qua một số dự án về nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh mà Cục Trẻ em phối hợp với một số tổ chức quốc tế triển khai tại một số tỉnh, thành cho thấy khi các em được tham gia các lớp truyền thông kiến thức, kỹ năng tham gia môi trường mạng được an toàn đều có thể tự bảo vệ mình trước thông tin từ mạng xã hội “bủa vây” ngày càng nhiều.
Theo daidoanket.vn