Mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì phân bón giả

Đây là vấn đề được đại biểu nhận định tại buổi Đối thoại chuyên đề “Phân bón giả - tác hại thật”. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng…
Lực lượng chức năng tiêu hủy số phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ tại Lâm Đồng.  Ảnh: Văn Yên
Lực lượng chức năng tiêu hủy số phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ tại Lâm Đồng. Ảnh: Văn Yên

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong vòng gần 2 năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính. Tình trạng kinh doanh phân bón dởm, kém chất lượng đã trở nên đáng báo động khi đã có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.

Ở góc độ doanh nghiệp ông Lê Tiến Hùng- Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), cho biết việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn cả niềm tin của khách hàng. Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay giá phân bón khoảng 20 triệu đồng/tấn, nếu như làm giả 200 tấn đã có 4 tỷ đồng, nghiêm trọng hơn có những sản phẩm bị làm giả với tỷ lệ cao đến 80%.

Bà Bùi Thị Thanh Giang - Phó Ban Kế hoạch Kinh doanh Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cũng cho biết, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng, mỗi năm Việt Nam đã mất đi từ 2 - 2,5 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hàng năm, Tổng cục cũng kiểm tra hàng nghìn hộ kinh doanh phân bón, trong đó có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng nghìn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đã phát hiện rất nhiều phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho rằng, hiện việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng diễn ra rất tinh vi với nhiều thủ đoạn, chiêu trò. Họ thường đánh vào sự hám lợi của một số đại lý, cửa hàng vì lợi nhuận mà tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Do vậy, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng có nhiều cơ hội để phát triển. Cùng với đó là công nghệ làm bao bì giả rất giống với vỏ bao bì thật của doanh nghiệp lớn có đăng ký sở hữu nhãn mác.

“Việc sản xuất phân bón giả quá dễ dàng, thậm chí có trường hợp theo phản ánh ngay thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu kiểm tra chất lượng thì lô hàng vẫn được mang đi tiêu thụ”- bà Bùi Thị Thanh Giang nói. 

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xử lý vấn nạn phân bón giả không dễ bởi tính “siêu lợi nhuận” làm cho các đối tượng có hành vi, mong muốn tột cùng. Bên cạnh đó các đối tượng còn dựa vào chính sách khuyến khích đầu tư để “lách luật”, tổ chức sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít bị cơ quan quản lý kiểm soát. Họ thành lập nhà máy rồi sản xuất, rồi lại bỏ xưởng, bỏ tên doanh nghiệp để gian lận. “Cần rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh. Phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công an, biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng” - ông Đạt đề xuất.

Theo daidoanket.vn