Măng cụt xanh gọt vỏ 800.000 đồng một kg

Vụ năm nay, măng cụt xanh gọt vỏ tiếp tục tăng giá từ 550.000-650.000 đồng một kg lên 700.000-800.000 đồng, tăng 20-30% so với năm ngoái.

Lên cơn sốt 2 năm liên tiếp, măng cụt xanh trộn gỏi gà trở thành món ăn được người tiêu dùng săn lùng mỗi dịp loại trái cây này vào mùa. Năm nay, mỗi kg măng cụt xanh gọt sẵn cũng tăng 20-30% so với năm ngoái, lên 700.000-800.000 đồng một kg. Mức này cao gấp 5 lần so với nguyên liệu chính là thịt gà.

Chị Oanh ở quận 2 (TP HCM) khá bất ngờ khi nhiều nơi rao bán măng cụt giá cao ngất ngưởng. "Mỗi năm chỉ có một mùa để làm món gỏi gà măng cụt, nhưng tôi thấy giá 800.000 đồng một kg là quá đắt so với giá trị mang lại", chị Oanh nhìn nhận.

Măng cụt xanh
Măng cụt xanh tại khu vực Đông Nam Bộ được săn lùng đầu mùa. Ảnh: Hội mua bán măng cụt

 

Dù giá tăng cao, chị Loan - thương lái ở Lái Thiêu (Bình Dương) - cho biết măng cụt xanh vẫn được đặt mua nhiều hơn so với hàng chín.

"Mỗi ngày, tôi nhận hàng trăm đơn nhưng không thể giao đủ trong ngày cho khách vì nguồn cung không nhiều", chị Loan nói.

Tương tự, anh Thành, cơ sở bán trái cây ở Tân Bình (TP HCM), cho rằng măng cụt sống đang lấn át hàng chín. "Mỗi ngày tôi bán được 200-300 kg măng cụt sống chưa gọt vỏ, trong khi măng chín chỉ tiêu thụ bằng một nửa.

Hiện, mỗi kg măng cụt sống chưa gọt vỏ có giá 120.000-130.000 đồng một kg, trong khi hàng chín 70.000-85.000 đồng (tùy loại).

Theo các cơ sở kinh doanh, gỏi gà măng cụt được người tiêu dùng ưa chuộng khiến giá măng cụt xanh tiếp tục tăng. So với năm ngoái, lượng đặt hàng măng cụt sống tăng gấp đôi trong khi nguồn cung hạn chế.

Mặc dù măng cụt xanh giá cao, nhiều nhà vườn không dám cắt bán ồ ạt vì lượng tiêu thụ măng cụt xanh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (vài phần trăm) so với hàng chín. Trong khi đó, theo các nhà vườn, phía trên trái măng cụt, mỗi năm sẽ ra một cặp lá và năm sau sẽ ra trái mới. Khi hái măng cụt còn xanh, bắt buộc phải bẻ luôn cặp lá này, còn trái chín thì tự rơi cuống. Do vậy, nếu hái măng cụt xanh, khả năng mùa vụ sau trái sẽ ít hơn, ảnh hưởng năng suất cả vườn. Mặt khác, nếu đua nhau cắt trái xanh, cung sẽ vượt cầu và đẩy giá đi xuống.

Theo đó, măng cụt xanh bán ra thị trường hiện nay đa phần là hàng cắt tỉa những trái chưa đạt chuẩn trên mỗi cây hoặc hàng loại 3. Hàng năm, tới mùa măng, nhà vườn sẽ cắt tỉa 1-5 kg không đạt chuẩn để dành dinh dưỡng cho những trái đạt chuẩn. Muốn mua với số lượng lớn, thương lái phải đi gom từng vườn.

Măng cụt là đặc sản của vùng Đông Nam Bộ được ví là trái cây "nữ hoàng". Trước đây, chỉ khách du lịch mới được thưởng thức măng cụt xanh trộn gỏi gà khi tới thăm quan các địa điểm có trồng trái cây này, nay được người tiêu dùng khắp cả nước tìm mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, măng cụt đầu vụ năm nay giá cao hơn so với mọi năm vì nhu cầu tăng. Ngoài Bình Dương, măng cụt còn được trồng tại Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai.

Số liệu từ Cục trồng trọt, Việt Nam có hơn 10.000 ha măng cụt với sản lượng cung ứng ra thị trường gần 50.000 tấn. Măng cụt đang được xuất chính ngạch sang Mỹ, Trung Quốc, Australia...

Sở nông nghiệp các tỉnh cho hay, 2 năm trở lại đây măng cụt chất lượng tăng cao, "được mùa được giá" nên mỗi ha cho thu nhập 300-500 triệu đồng, lợi nhuận chỉ xếp sau sầu riêng.

Theo VnExpress