Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng giảm giá vàng miếng từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng, mua vào còn 89 triệu đồng, bán ra 90,3 triệu đồng. Trong khi đó, các công ty lớn không thay đổi giá vàng, cụ thể Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào ở mức 89 triệu đồng, bán ra 91 triệu đồng; Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 88,7 triệu đồng, bán ra 90,7 triệu đồng… Giá mua thấp hơn bán ra 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC cao hơn vàng nhẫn 13,3 triệu đồng/lượng. Công ty PNJ mua vào với giá 75,6 triệu đồng, bán ra 77,4 triệu đồng; Công ty SJC mua vào 75,65 triệu đồng, bán ra 77,35 - 77,45 triệu đồng…
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng. Mức giá đặt cọc là 88,6 triệu đồng/lượng. Giá mua vào của các đơn vị khó giảm sâu xuống mức này. Giá vàng miếng cao hơn thế giới gần 16,9 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 2,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm 14 USD/ounce, xuống còn 2.427 USD/ounce. Mối lo ngại thực sự về mức độ lạm phát và tác động của nó đối với chính sách tiền tệ trong tương lai của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy giá vàng tăng. Những lo ngại về số lần cắt giảm lãi suất mà Fed đã hỗ trợ rất nhiều cho giá vàng.
Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm và duy trì lãi suất quỹ Fed chuẩn hiện tại ở mức từ 5% đến 5,25% chỉ trong hơn một năm. Năm ngoái, lạm phát đã giảm từ mức cao nhất hơn 9% và đến tháng 4.2024 ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức lạm phát hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed.
Tại báo cáo Tóm tắt Dự báo Kinh tế mới nhất sau cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) tháng 3, Fed tiếp tục được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 0,25% ba lần trong năm nay. Lạm phát tăng cao có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng như một hàng rào chống lại sức mua bị xói mòn.