Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay tiếp tục chững giá ở nhiều địa phương và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, Hưng Yên, Thái Bình và TP Hà Nội hiện là ba tỉnh thành có giá dẫn đầu khu vực với mức 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, Hà Nam vẫn duy trì giao dịch với giá 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang đang thu mua trong khoảng 67.000 - 68.000 đồng/kg. Mức giá 66.000 đồng/kg được ghi nhận tại Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định.
Giá heo hơi hôm nay 13/8: Tăng/giảm trong khoảng 1.000 – 3.000 đồng/kg |
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay điều chỉnh tăng ở một số địa phương trong khu vực và dao động trong khoảng 58.000 - 68.000 đồng/kg. Theo đó, Lâm Đồng là địa phương duy nhất tăng 3.000 đồng/kg, hiện thu mua heo hơi tại mốc 65.000 đồng/kg, cùng với Ninh Thuận. Mức giá cao nhất khu vực hiện là 68.000 đồng/kg, ghi nhận được ở tỉnh Quảng Ngãi. Mức giá thấp nhất được ghi nhận tại Đắk Lắk 58.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại tiếp tục chững giá trong hôm nay, thu mua heo hơi trong khoảng 59.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay ghi nhận mức tăng/giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương và dao động trong khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, thu mua chung mức 63.000 đồng/kg, ngang bằng với Kiên Giang và Bến Tre. Sau khi tăng 1.000 đồng/kg, Cần Thơ đang giao dịch với giá 64.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, tại Đồng Tháp giá heo hơi hôm nay giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 62.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Bình Phước, Bình Dương và Trà Vinh. Hiện Đồng Nai là địa phương có giá heo hơi thấp nhất khu vực 60.000 đồng/kg. Còn tại Cà Mau, giá heo hơi duy trì ở mức 70.000 đồng/kg cao nhất khu vực.
Để bảo vệ đàn heo 765.000 con, tỉnh Bình Định áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp khống chế không để dịch tả heo châu Phi tái bùng phát. Theo đó, Bình Định đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch giai đoạn 2021-2025 nhằm chủ động giám sát để phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ đàn heo trên địa bàn.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể trong năm đầu tiên thực hiện, có trên 90% số xã, phường, thị trấn tại Bình Định không có bệnh dịch tả heo châu Phi. Qua 2 năm tiếp theo, trên 95% số xã, phường, thị trấn không xuất hiện dịch bệnh này, trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh dịch tả heo châu Phi trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch.
Ngành chức năng định kỳ phải tổ chức vệ sinh, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán và giết mổ heo. Hoạt động kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn phải thực hiện nghiêm các quy trình kiểm dịch vận chuyển, các quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vệ sinh và phun thuốc sát trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, người tham gia vận chuyển. Tổ chức lấy mẫu đối với các trường hợp heo nghi mắc bệnh, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý triệt bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh.
Theo congthuong.vn