VÒNG BẢNG 'NHẠT' VÌ THỂ THỨC
Đội tuyển Anh bị chính giới hâm mộ của họ chế giễu ngay trên sân, còn HLV Gareth Southgate bị ném hẳn "một cơn mưa" ly bia. Cơn thịnh nộ của dân Anh tăng dần về cường độ vì thầy trò Southgate gây thất vọng trong suốt 3 trận vòng bảng, chứ không riêng gì trận nào. Nhưng thị trường cá cược vẫn cứ đề cao một đội như thế, vẫn xếp vào vị trí ứng cử viên vô địch số 1, thì dĩ nhiên phải có lý do. Chỉ cần thắng trận ra quân là quá yên tâm. Hòa trận kế tiếp thì coi như đã có vé đi tiếp. Trận cuối chỉ còn ý nghĩa cho những vấn đề khác. Ở một mức độ nào đó, đấy là hành trình rất… phản thể thao. Lẽ ra, trong phần lớn trường hợp, trận cuối cùng phải là trận đấu quyết định, mang tính sinh tử đối với các đội, thì câu chuyện thực tế lại ngược hẳn.
Do thể thức thi đấu như vậy, nên ông Southgate phải ưu tiên giữ vững ưu thế ngay khi mở được tỷ số ở trận ra quân, rồi lại đá để không thua trong trận kế tiếp. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ. Có những đội chưa đá trận cuối đã hoàn toàn yên tâm (ít nhất cũng có vé vớt đi tiếp). Sự "nhàn nhạt" về tính cạnh tranh của vòng bảng EURO 2024 là do lỗi của thể thức thi đấu, chứ không phải vì đẳng cấp chuyên môn của các đội bóng trong cuộc.
Đây không phải là toán học. Trong thể thao, 24 đội bóng là con số… lẻ, rất khó tìm một thể thức hợp lý để chọn số đội đi tiếp. Đã vậy, bóng đá đỉnh cao bây giờ lại quá nặng về kinh tế. Muốn đá kiểu gì thì trước tiên cứ phải ưu tiên có nhiều đội bóng, truyền hình nhiều trận, để hốt bạc. Tóm lại, khi đá xong 70% tổng số trận đấu (36/51) mà chỉ loại khỏi cuộc chơi 8/24 đội - số đội đi tiếp nhiều gấp đôi số đội bị loại - thì lấy đâu ra sự sôi động, quyết liệt, căng thẳng?
GIỜ MỚI… BẮT ĐẦU ĐÁ!
Có vẻ như Áo, Romania, thậm chí Georgia là các đội đã gây bất ngờ, để lại ấn tượng sâu đậm khi giành vé đi tiếp. Một mặt, bóng đá châu Âu vốn rất cân bằng, đội nào cũng có thể thắng khi ra sân. Nhưng mặt khác, đấy hẳn nhiên không thể là các anh hào đủ sức tranh chấp ngôi cao. Áo đứng đầu bảng (trên Pháp) hoặc Georgia thắng Bồ Đào Nha 2 bàn cách biệt, đều chỉ là vài kết quả xuất hiện trong tình thế phù hợp. Đấy là chuyện "đã qua", chứ không phải chuyện "sắp đến".
Bỏ qua tính chất giễu cợt, bông đùa khi người ta dùng từ "giấu bài" để nói về đội thất bại, đấy là câu chuyện có thật trong bóng đá đỉnh cao. Nhiều khả năng, các đội vừa gây thất vọng như Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha (chỉ trong trận cuối)… sẽ lột xác và thể hiện phong độ bùng nổ ở giai đoạn knock-out. Một trong những đặc điểm lớn của vòng đấu bảng vừa qua là có rất nhiều bàn thắng muộn - không chỉ trong thời gian đá bù mà còn là trong những phút bù giờ cuối cùng. Phải ở đẳng cấp cao và chuẩn bị rất kỹ, người ta mới còn phong độ gần như nguyên vẹn, cả về tinh thần lẫn thể lực, để chơi bóng chính xác và ghi các bàn thắng như vậy. Tần số thành bàn của những cú sút xa cũng là đặc điểm tuyệt vời, nói lên cái hay về đẳng cấp chuyên môn của đấu trường EURO.
Trong khi EURO 2024 giới thiệu những ngôi sao trẻ tuyệt vời như Florian Wirtz, Jamal Musiala (Đức), Lamine Yamal, Nico Williams (Tây Ban Nha), Jude Bellingham (Anh), Arda Guler (Thổ Nhĩ Kỳ)…, thì các lão tướng như Luka Modric (Croatia) hoặc Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) vẫn miệt mài diễn vai chính trên sân. Bóng đá đỉnh cao tại EURO, do vậy, là thứ bóng đá được kết hợp rất hài hòa giữa sức trẻ, tốc độ và kinh nghiệm, bản lĩnh, rất hấp dẫn!
CÁC THỂ THỨC CHO MỘT GIẢI ĐẤU CÓ 24 ĐỘI
Lần đầu tiên một giải đấu lớn có 24 đội dự VCK là World Cup 1982. Giải ấy có 6 bảng (4 đội/bảng) ở vòng đầu tiên, mỗi bảng lấy 2 đội đi tiếp. Vòng 2 có 12 đội, chia thành 4 bảng (3 đội/bảng), mỗi bảng lấy 1 đội vào vòng bán kết. "Bảng tử thần" của World Cup 1982 xuất hiện ở vòng 2, chứ không phải vòng đầu. Đó là bảng có Ý, Brazil, Argentina. Vòng 1 hợp lý khi lấy 12/24 đội đi tiếp. Nhưng vòng 2 lại không hợp lý, khi chỉ có 4/12 đội đi tiếp. Có lẽ vì điều này mà FIFA thay đổi điều lệ từ World Cup 1986: lấy thêm 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất vòng bảng đi tiếp cho tròn 16 đội, rồi bắt đầu giai đoạn knock-out. Thể thức này được giữ nguyên cho đến trước khi VCK World Cup tăng lên 32 đội vào năm 1998. Đây cũng là thể thức được áp dụng tại EURO từ năm 2016 đến nay. FIFA từng bàn đến việc chia 24 đội thành 8 bảng (3 đội/bảng), mỗi bảng lấy 2 đội đi tiếp, rồi đá knock-out. Nhưng cách này chưa bao giờ được áp dụng.