Điểm chuẩn đại học năm 2024 tăng mạnh do chỉ tiêu còn quá ít

Năm nay, các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các phương thức xét tuyển sớm, giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT dẫn đến điểm chuẩn theo phương thức này tăng lên.

17h hôm nay (19/8) là hạn cuối cùng các cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn đại học đợt 1 năm 2024. Hiện có khoảng 200 trường đại học, học viện khắp cả nước đã thông tin điểm trúng tuyển. Nhìn chung, điểm chuẩn năm nay có xu hướng tăng, nhưng không ngoài dự đoán trước đó.

Theo công bố điểm chuẩn của các trường đại học cho thấy điểm chuẩn năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023 ở hầu hết các ngành, trường và lĩnh vực; trong đó có những ngành tăng đến gần 8,5 điểm.

Theo các chuyên gia, điểm chuẩn tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân cơ bản như điểm thi Tốt nghiệp THPT tăng và số lượng học sinh đăng ký xét tuyển đại học cũng tăng so với năm 2023 dẫn đến nguồn tuyển dồi dào hơn.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm mầm non trên hệ thống tuyển sinh chung của bộ, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi Tốt nghiệp THPT, tăng 73.000 em so với năm 2023.

Về điểm thi Tốt nghiệp THPT, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết phân tích trên dữ liệu điểm các môn thi cho thấy tỷ lệ thí sinh đạt điểm giỏi, tức từ 8 điểm (riêng môn Ngữ văn tính từ 7 điểm do tính đặc thù) ở hầu hết các môn đều tăng so với năm 2023.

Cụ thể, môn Toán, số bài thi đạt điểm 8 trở lên đạt 18,97%, cao hơn gần 4% so với tỷ lệ 15,1% của năm 2023. Tỷ lệ này ở môn Vật lý tăng 7,3% (từ 21,31% lên 28,68%). Môn Hóa học cũng có 26,93% bài thi đạt điểm 8 trở lên và "được mùa" điểm 10, với 1.278 điểm 10, trong khi năm ngoái chỉ có 137 bài đạt điểm 10.

Tỷ lệ điểm giỏi môn Lịch sử tăng 6,6%. Môn Địa lý thậm chí còn có sự đột biến khi tỷ lệ bài thi điểm giỏi chiếm tới 31% trong khi năm 2023 chỉ là 6,6%. Môn Địa lý còn có "cơn mưa" điểm 10 với 3.175 bài thi môn Địa lý đạt điểm tuyệt đối trong trong khi 2023 chỉ có vỏn vẹn 35 bài đạt điểm 10.

Môn Ngữ văn, số bài thi đạt điểm 7 trở lên chiếm tỷ lệ 64,57%, cao kỷ lục từ trước tới nay, tăng gần 18,67% so với tỷ lệ tỷ lệ 45,9% của năm 2023.

Môn Giáo dục Công dân vẫn tiếp tục "phát huy" số lượng bài điểm giỏi ở mức "khủng" như các năm qua với tỷ lệ 65,83%, tăng gần 5% so với tỷ lệ 61% của năm 2023.

Điểm chuẩn năm 2024 có xu hướng tăng. Ảnh: HANU
Điểm chuẩn năm 2024 có xu hướng tăng. Ảnh: HANU

GS Nguyễn Đình Đức cho hay, với phân tích trên, việc điểm chuẩn đại học năm nay sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm đã được dự đoán trước ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi.

Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, nhìn ở góc độ quản lý tổng quan, ngoài hai nguyên nhân trên, việc điểm chuẩn đại học năm nay tăng ở nhiều ngành còn có nguyên nhân quan trọng là các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu hơn cho các phương thức xét tuyển sớm, giảm chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT, dẫn đến điểm chuẩn theo phương thức này tăng lên.

Đây là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh ở nhiều trường trong những năm qua khi trường được tự chủ tuyển sinh. Mới đây nhất, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố năm 2025 trường chỉ dành 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT. Theo đó, trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ chỉ tiêu trường dành cho phương thức xét tuyển này đã giảm rất mạnh, từ hơn 70% xuống còn 15%.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện các trường có hơn 20 phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó xét theo điểm thi Tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 65% chỉ tiêu.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, việc xét tuyển từ điểm thi Tốt nghiệp THPT, giúp giảm tốn kém cho xã hội, đặc biệt là giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, không có điều kiện đi lại hay tham gia vào nhiều cuộc thi khác, nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển đại học. Vì vậy, thời gian tới, bộ sẽ đề nghị các trường tăng chỉ tiêu cho phương thức này.

Đầu tháng 8 vừa qua, tại Hội nghị Giáo dục Đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này khi cho rằng các phương thức tuyển sinh đang quá nhiều, quá phức tạp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc trúng tuyển sớm có thể khiến học sinh lơ là học hành trong giai đoạn cuối năm học lớp 12. Bên cạnh đó, việc chỉ còn ít chỉ tiêu tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT dẫn đến điểm chuẩn cao cũng làm giảm cơ hội của thí sinh, nhất là vào các trường tốp đầu.

Theo đó, tư lệnh ngành giáo dục cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc vấn đề này để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau. Khẳng định các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm!

Nghị định 99/2019 hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi (luật 34) đã quy định khá rõ về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về học thuật chuyên môn của cơ sở GDĐH. Theo đó, trường ĐH có quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh; xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT (trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Hằng năm, Bộ sẽ điều chỉnh hoặc ban hành quy chế tuyển sinh cập nhật về mặt kỹ thuật để việc thực hiện tuyển sinh của các trường ngày càng thuận lợi hơn.

Một số trường “lạm dụng” tự chủ để đưa ra quá nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có những phương thức hết sức phức tạp, khiến cho mục tiêu công bằng trong tuyển sinh bị ảnh hưởng.

Từ thực tế tuyển sinh đại học thời gian qua, nhiều giáo viên và phụ huynh mong muốn các cơ sở giáo dục đại học bỏ xét tuyển sớm sẽ góp phần làm cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông thiết thực và có ý nghĩa hơn.