Đông lạnh là một trong những biện pháp kỹ thuật thích hợp nhất và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đông lạnh thực phẩm sẽ giữ được gần như nguyên vẹn tính chất ban đầu về hình dáng cũng như chất lượng dinh dưỡng bên trong. Vì khi đông lạnh ở nhiệt độ thấp, vi sinh vật sẽ bị đóng băng nên không làm hư hỏng thực phẩm.
Thực phẩm đông lạnh không chỉ riêng cá thịt mà còn nhiều loại khác như: Chả giò, thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, cá viên và bò viên, bánh xếp,...
Thực phẩm đông lạnh chắc chắn sẽ không ngon bằng thực phẩm tươi sống, nhưng nếu đối với trường hợp phải bảo quản lâu, thực phẩm đông lạnh sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Mặc dù thực phẩm có thể để trong ngăn đá rất lâu, nhưng không phải là mãi mãi vì chúng vẫn có thể hư hỏng. Vậy đâu là những dấu hiệu nhận biết?
Thực phẩm đông lạnh vẫn có thể hư hỏng cần biết những dấu hiệu để nhận biết. Ảnh minh họa
Dựa vào màu sắc thực phẩm
Theo Lisa Richards – chuyên gia dinh dưỡng của Mỹ: “Nếu nhận thấy rau củ đông lạnh mất đi màu sắc tươi sáng và có thể có các tinh thể đá, thì đây là dấu hiệu chúng nên được bỏ đi. Việc mất màu không cho thấy thực phẩm không lành mạnh hoặc không an toàn, nhưng nó có thể bị giảm chất lượng”. Các loại thịt sẽ dần mất đi chất lượng ban đầu và thay đổi màu sắc trong tủ đông do tủ đông bị cháy, oxy hóa hoặc do thời gian bảo quản kéo dài. Nếu nhận thấy miếng thịt bắt đầu có một chút màu xám thay vì màu đỏ thông thường thì nên ném bỏ.
Có mùi lạ
Mở ngăn đá tủ lạnh sẽ có một luồng khí lạnh tỏa ra, đó là điều bình thường. Nhưng nếu ngửi thấy mùi hôi hoặc mùi gì đó thì có thể có sản phẩm đang bị phân hủy trong tủ đông. Vì vậy, hãy kiểm tra tủ đông thường xuyên và tin vào khứu giác của mình để loại bỏ thực phẩm hư sớm nhất, tránh làm ảnh hưởng đến các loại thực phẩm khác.
Kết cấu sản phẩm kỳ lạ
Thịt tươi khi đã được rã đông an toàn từ tủ đông không được dính, nhão hoặc có mùi hôi. Nếu thấy thịt có các hiện tượng trên, nên vứt bỏ ngay để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Những điều cần lưu ý để bảo quản thực phẩm đông lạnh an toàn
Thực phẩm có khuynh hướng gia tăng mùi vị khi đông lạnh, vì vậy nên hạn chế việc tẩm gia vị; tiêu hành tỏi cũng tăng nồng độ và trở nên có vị đắng khi được đông lạnh.
Những thức ăn dễ bị hư hỏng như: thịt cá, gà vịt, các sản phẩm bơ sữa cần phải được xả đá ở trong ngăn lạnh của tủ lạnh. Những thực phẩm được nấu sẵn và ít độ ẩm như bánh mì có thể xả đá ở ngoài tủ lạnh ở nhiệt độ phòng.
Nếu không có nhiều thời gian để xả đá, có thể chọn giải pháp nhanh bằng cách cho vào lò vi ba với thời lượng là 10 - 12 phút cho 1kg thịt. Cần nhớ là luôn tháo túi nhựa ra vì chúng có thể ngấm độc chất vào thực phẩm. Một cách xả đá nhanh khác là bỏ thực phẩm trong túi nhựa kín và nhúng ngập vào nước, cứ mỗi 30 phút thay nước một lần cho đến khi thực phẩm hoàn toàn được xả đá.
Nếu thực phẩm được xả đá trong tủ lạnh, nếu gì lý do nào đó không nấu nướng kịp, có thể để trở lại vào ngăn đá để đông lạnh. Riêng nếu những loại thực phẩm được xả đá bên ngoài tủ lạnh, trong lò vi ba hoặc ngâm vào nước thì cần phải nấu trước khi cho đông đá trở lại. Thực phẩm một khi được xả đá rồi đem đông đá trở lại sẽ bị biến chất, giảm hương vị, giảm giá trị dinh dưỡng.
Trong quá trình đông lạnh, nếu thực phẩm không được bao bọc cẩn thận dễ bị tình trạng phỏng lạnh làm thay đổi màu sắc của thực phẩm. Nguyên nhân là do chúng bị mất độ ẩm trên bề mặt. Phỏng lạnh thường không gây hại nhưng làm thực phẩm kém chất lượng và trở nên cứng hơn.
Đông lạnh để bảo quản thức ăn chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định nhằm bảo đảm chất lượng tối đa, quá thời hạn này, thực phẩm kể như “quá date”. Thông thường thời hạn dễ bảo quản trái cây, rau cải, thịt bò là 8 - 12 tháng, gà vịt 6 - 12 tháng, cá từ 3 - 6 tháng.
Những thực phẩm được cắt lát hoặc những thực phẩm có nhiều chất béo sẽ rất nhanh chóng bị giảm chất lượng. Những thực phẩm không nên bảo quản bằng đông lạnh là bắp cải, cần tây, sản phẩm trứng, rau câu...