Có nên 'chữa lành' theo trào lưu?

Trào lưu 'chữa lành' vẫn đang rầm rộ khắp mạng xã hội. Thoạt nghe, đây là điều hợp lý, giúp người trong cuộc được xoa dịu, lạc quan hơn. Tuy nhiên, nhiều người còn lạm dụng, làm biến tướng ý nghĩa ban đầu.
gioi-tre-chua-lanh-pts-17153246287432009578102.jpg
Lạm dụng ý nghĩa "chữa lành", nhiều người trẻ chỉ thích được đi chơi, nghỉ ngơi dài ngày để tâm hồn và cơ thể được "chữa lành"- Ảnh: M.XUYÊN

Sau khi được "chữa lành" ở kỳ nghỉ lễ dài ngày 30-4 và 1-5 vừa qua tại quê nhà, sinh viên T.T. (đang học năm cuối một trường đại học TP.HCM) vẫn thấy tâm hồn và cơ thể chưa được "chữa lành" trọn vẹn, cần kéo dài thêm vài ngày nữa.

Đã được "chữa lành", càng muốn "chữa lành" thêm

T. cho hay, sau chuỗi ngày được đi chơi, tụ họp bạn bè là cũng đến thời gian phải vào TP.HCM chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp và đi làm thêm trở lại. Tuy nhiên, T. còn luyến tiếc, muốn được nghỉ ngơi để "chữa lành" thêm khi thời gian qua đã dành thời gian học tập, thi cử căng thẳng.

Cũng như nhiều người trẻ khác, gần đây T. hay đăng dòng trạng thái "chữa lành" qua những bức ảnh, clip ngắn khi được đi đâu đó, ăn món mới.

Chỉ cần gõ cụm từ “chữa lành” trên Google sẽ cho khoảng gần 84 triệu kết quả trong vòng 0,22 giây.

Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, từ khóa “chualanh”, “healing” cũng được tìm kiếm nhiều nhất trong thời gian qua.

Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ sẵn sàng chi số tiền lớn cho các chuyến du lịch, các khóa thiền, các lớp học trải nghiệm mang danh “chữa lành”.

Có người đu trend "lương thấp chữa lành kiểu..." bằng cách gán ghép hình ảnh bản thân qua phong nền cảnh núi rừng, biển cả... như một cách xoa dịu bản thân và mua vui cộng đồng mạng.

Lạm dụng, ý nghĩa "chữa lành" bị biến tướng

Theo từ điển Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, định nghĩa chữa lành (mental healing) là quá trình điều trị nhằm giảm nhẹ các tình trạng có liên quan đến các rối loạn sức khỏe tinh thần hoặc tình trạng thể chất liên quan đến tinh thần để trở về trạng thái an yên, mãn nguyện, từ đó giúp chúng ta tiếp tục tìm được những niềm vui, sống lạc quan hơn.

Thạc sĩ Lê Thị Hằng - trưởng bộ môn tâm lý Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) - cho hay cụm từ khóa “làm sao để chữa lành” đạt mức được tìm kiếm nhiều nhất thời gian qua, theo kết quả tổng kết xu hướng tìm kiếm nổi bật năm của Google.

Thậm chí Liên Hiệp Quốc đã đưa ra thông điệp cho năm 2021 là năm của sự chữa lành. Và đến nay thì có rất nhiều người trên toàn cầu vẫn đang trên hành trình để xoa dịu những tổn thương của mình.

“Chữa lành” hay trong tiếng Anh là Healing, được hiểu một cách đơn giản đó chính là việc đối mặt, chấp nhận, và vượt qua được những cú sốc tâm lý, hoặc những biến cố trong cuộc sống.

Tuy nhiên, khái niệm "chữa lành" đang gây ra nhiều tranh cãi, khi không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng sự bất ổn về tâm lý hay theo tâm lý đám đông để lôi kéo, dụ dỗ tham gia những khóa học "chữa lành" với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Theo bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong cuộc sống hàng ngày, khó ai tránh khỏi áp lực, đối diện các chuyện buồn không như ý.

Không cần phải theo cách "chữa lành" tốn nhiều tiền theo trào lưu, để vượt qua áp lực, chúng ta có thể sắp xếp lại công việc, tổ chức lại cuộc sống, cân bằng lại các yếu tố (môi trường gia đình và xã hội), thư giãn, tạo cảm giác thoải mái, suy nghĩ tích cực, tập buông bỏ những gì không quan trọng, không cần thiết trong cuộc sống.

Hãy ngủ đủ giấc (đảm bảo chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ đủ 7-8 tiếng trong một đêm và có giấc ngủ sâu), ăn đủ chất dinh dưỡng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là gần 15 triệu người bị ảnh hưởng.

Trong đó, tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm từ 5-6% dân số; còn lại là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy, chất gây nghiện khác.

Trước những vấn đề sức khỏe tâm thần ngày trở nên nghiêm trọng ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025.