Không nên đeo đồ trang sức cả ngày: Khi ra ngoài bạn có thể đeo trang sức để tô điểm cho diện mạo thêm ấn tượng, sang trọng. Nhưng về nhà hãy thao chúng ra khi làm việc nhà hoặc chơi thể thao để tránh làm xước trang sức. Ngay cả những loại đá cứng nhất như kim cương cũng có thể bị vỡ nếu chẳng may bị va đập đủ mạnh.
Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm: Các hóa chất có trong các loại mỹ phẩm có thể ảnh hưởng xấu tới vẻ đẹp của đồ trang sức. Xà phòng, phấn trang điểm, nước hoa, keo xịt… đều có khả năng tạo nên các vết ố rất khó tẩy rửa trên bề mặt đồ trang sức. Tốt nhất, nếu lỡ để dính những chất này lên đồ trang sức, bạn phải lau rửa ngay trước khi chúng có khả năng gây phản ứng.
Bảo quản trang sức đá: Không bao giờ để các loại đá trang sức nhúng vào các dung dịch có chứa muối, chất tẩy rửa, đặc biệt là chất tẩy rửa có chứa clo. Những chất này có khả năng ăn mòn các đường mài hoặc làm giảm độ bóng của đá trang sức, nhất là khi ở nhiệt độ cao. Do đó tuyệt đối không nên đeo đồ trang sức có đá trang trí khi đi bơi ở bể bơi có chứa clo hay khi giặt tẩy quần áo và cọ rửa đồ đạc trong nhà.
Tránh nhiệt độ cao: Đối với các đồ trang sức bằng đá hay ngọc trai, bạn nên lưu ý không để vào môi trường có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ quá cao hoặc thay đổi đột ngột còn có thể khiến đổ trang sức bị vỡ rạn. Khi tiếp xúc với môi trường quá nóng, ngọc trai sẽ dễ bị khô, xỉn màu và phai màu, đá mã não có thể chuyển thành màu nâu hoặc trắng, xuất hiện các vết xước rạn và mất khả năng thay đổi màu sắc.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Đây cũng là một tác nhân có hại đối với độ bền và màu sắc của đá trang sức. Nếu bị tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, một số loại đá như thạch anh tím, hoàng ngọc, đồ khảm xà cừ hồng… sẽ trở nên yếu đi. Ngọc trai cũng dễ phai màu nếu bị để quá lâu trong ánh nắng mặt trời, hổ phách và nhiều loại đá khác cũng có nguy cơ bị xỉn màu.
Độ ẩm là ''kẻ thù'' của đồ trang sức: Mồ hôi, nước hoa hoặc môi trường có độ ẩm cao đều có thể làm xỉn màu, thậm chí làm hỏng trang sức. Cố gắng bảo quản trang sức ở nơi thoáng khí, khô ráo và giảm thiểu việc chúng phải tiếp xúc với độ ẩm để giữ trang sức luôn tươi mới, bền đẹp. Ngoài ra, bạn có thể thêm một ít phấn (phấn em bé, phấn phủ, phấn bột...) vào hộp đựng trang sức để giúp hút ẩm và bảo vệ các đồ trang sức bằng bạc không bị xỉn màu.
Phân loại trang sức: Để bảo quản trang sức hiệu quả, đừng quên việc phân loại trang sức theo từng loại phụ kiện (nhẫn, vòng tay, dây chuyền…). Phân loại và nắm rõ từng chất liệu của mỗi món phụ kiện sẽ giúp bạn dễ dàng áp dụng các phương pháp làm sạch cũng như đánh bóng trang sức hơn.
Rửa trang sức bằng nước, xử lý vết hoen ố bằng tương cà: Để vệ sinh trang sức chỉ cần dùng nước ấm pha xà phòng loãng hoặc sữa tắm trẻ em. Sau khi rửa trang sức trong nước ấm bằng tay hoặc bàn chải đánh răng mềm thì hãy lau khô bằng khăn bông.
Đối với các loại trang sức có bề mặt dễ trầy xước như ngọc trai, sapphire, hồng ngọc, kim cương…bạn nên dùng cọ trang điểm mới để làm sạch thay vì bàn chải. Những trang sức kim loại dễ bị xỉn màu hay xuất hiện các vết hoen ố trên bề mặt do hiện tượng oxy hóa, hãy xử lý vết hoen mờ bằng cách dùng tương cà chua để làm sạch, sau đó rửa lại với nước ấm.
Theo Phụ nữ