Tuy nhiên, khi có mong muốn sở hữu xe hơi đã qua sử dụng, khách hàng cần lưu ý một số điều sau để tránh những sản phẩm có chất lượng không đạt yêu cầu.
Kiểm tra lịch sử và hồ sơ bảo dưỡng ô tô
Lịch sử bảo dưỡng cũng sẽ phản ánh rất nhiều về tình trạng của xe ô tô hiện tại. Các chi tiết bên trong xe được thay đổi, sửa chữa như thế nào đều được thể hiện thông qua dữ liệu này.
Nên xem xét sổ bảo dưỡng và hỏi chủ xe về việc đã giữ biên lai cho các lần bảo dưỡng trước đó. Có thể liên hệ với đại lý đã thực hiện bảo trì phương tiện để kiểm tra một cách thận trọng. Đặc biệt, người mua xe có thể sử dụng thông tin này để thương lượng giảm giá khi sắp tới lần bảo trì tiếp theo.
Kiểm tra thân xe và khung gầm
Phần thân vỏ là phần quan trọng và cần phải kiểm định thật kỹ càng trước khi mua xe ô tô.
Nguyên nhân là bởi phần khung hoàn toàn chế tạo từ kim loại đúc với một kích thước cố định và sản xuất theo dây chuyền. Nếu phát hiện sự không đồng đều hoặc xô lệch, có thể cho thấy chiếc xe đã từng bị tai nạn.
Đối với gầm xe, người mua cần phải lái thử để đánh giá trực tiếp chất lượng. Nếu bộ phận này còn chắc chắn thì xe chạy sẽ rất êm dịu và máy khỏe. Sàn xe cũng cần phải còn mới, không bị mối mọt hoặc có dấu hiệu ngập nước.
Đánh giá tình trạng bánh xe và lốp
Hãy kiểm tra vành bánh xe (la-zăng) để đảm bảo không bị nứt hoặc cong. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên lốp xe cần có độ sâu rãnh tối thiểu 1,6 mm để đảm bảo an toàn lưu thông trên đường. Người tiêu dùng cũng cần kiểm tra đến việc lốp xe có vết cắt, chỗ phồng hay việc lốp có mòn đều hay không. Nếu lốp bị mòn không đều, có thể gây ra hiệu suất kém, tiêu hao nhiên liệu tăng và mài mòn nhanh hơn.
Kiểm tra mức dầu
Mở nắp ca-pô và sử dụng que thăm để kiểm tra mức dầu. Mức dầu thấp có thể là dấu hiệu bảo dưỡng kém, dẫn đến giảm hiệu suất vận hành của xe ô tô. Dầu động cơ sạch có màu vàng nhạt, trong khi màu đen có thể cho thấy dầu không được thay trong thời gian dài. Đồng thời, nếu nắp dầu động cơ bị đục hoặc chứa chất làm mát trộn lẫn với dầu, hãy tránh những chiếc xe đó.
Kiểm tra màu sắc của khí thải
Trong quá trình kiểm tra xe, khách hàng nên chú ý đến màu sắc của khói thải từ ống xả. Khói trắng mịn xuất hiện khi khởi động xe là hơi nước bình thường và không cần lo lắng. Khi động cơ ấm lên, khí thải thường phải rất mịn. Do đó, nếu thấy khói đen, đây là dấu hiệu động cơ đang đốt nhiên liệu không hiệu quả.
Lỗi này có thể xuất phát từ các bộ phận như kim phun nhiên liệu, bộ lọc, cảm biến hoặc van tuần hoàn khí xả, đặc biệt khi xe chạy bằng động cơ diesel. Còn khói màu xanh là dấu hiệu động cơ đang cháy dầu, có thể do phớt chặn hoặc vòng đệm bị hỏng, làm cho dầu tràn vào buồng đốt của động cơ.
Cân nhắc từ số ki-lô-mét hiển thị trên đồng hồ
Số ki-lô-mét mà xe ô tô đã di chuyển ảnh hưởng trực tiếp tới giá của phương tiện. Do đó, người mua xe cần so sánh giữa số ki-lô-mét hiển thị trên đồng hồ và lịch sử bảo dưỡng để đảm bảo rằng những thông số hiện thị trên bảng táp-lô và quãng đường thực sự chiếc xe đã di chuyển trùng khớp. Điều này giúp người mua phân biệt được chiếc xe nào đã bị tua công tơ mét.
Hiện tại, việc tua công tơ mét tại thị trường xe đã qua sử dụng Việt Nam đang trở nên khó kiểm soát. Tốt nhất, khách hàng mua xe từ những cá nhân thực sự tin tưởng, biết rõ nguồn gốc của chiếc xe.
Kiểm tra nội thất và hệ thống điện
Hãy bắt đầu với những yếu tố cơ bản như đèn, còi, và hệ thống điều hòa không khí. Nếu bật máy lạnh mà chiếc xe kêu to, có thể hệ thống đang gặp vấn đề với nấm mốc và vi khuẩn. Tiếp theo, hãy kiểm tra màn hình, ghế ngồi, cánh cửa và cửa sổ trời (nếu có). Xem xét kỹ vết bẩn hoặc vết rách trên vải bọc ghế.
Lái thử kỹ càng
Nếu đã kiểm tra bên ngoài và bên trong xe ô tô, người mua vẫn nên dành ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng lái thử xe ô tô đi qua các địa hình mà thường xuyên phải di chuyển như trong đô thị, ngoài đô thị, đường cao tốc, đường gồ ghề.
Trong quá trình lái thử xe người mua cần chú ý đến chuyển động của phương tiện khi di chuyển qua các cung đường, khả năng bứt tốc, leo đèo, cách xe chuyển làn.