Mở cửa phiên đầu tháng, lực cầu gia tăng tích cực xuất hiện nay từ đầu phiên giúp VN-Index bật tăng mạnh. Dòng tiền vận động tích cực và lan toả khắp các nhóm ngành, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu blue-chips giúp chỉ số chung tăng điểm ấn tượng và nhanh chóng vượt ngưỡng 1.300 điểm. Theo thống kê, nhóm ngành Ngân hàng - tài chính, thép, bất động sản đều có diễn biến hồi phục tăng điểm cùng thanh khoản ở mức cao với các gương mặt tiêu biểu như VHM, DGC, TPB, VPB, VCI.
Sắc xanh vẫn được duy trì ổn định trong nửa đầu phiên chiều, tuy nhiên áp lực chốt lời tăng do đạt mục tiêu lướt sóng T+ nên động lực chung có diễn biến trồi sụt vào giữa phiên và rung lắc mạnh hơn gần cuối phiên. Sự phân hóa bắt đầu thể hiện rõ khi BID, VCB và CTG gặp áp lực điều chỉnh giảm sau hai tuần tăng điểm liền trước và đối nghịch với các cổ phiếu ngân hàng còn lại trong rổ chỉ số. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngành chứng khoán và bán lẻ cũng chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh giảm. Điểm tích cực là nhóm vốn hoá lớn vẫn giữ được sắc xanh diện rộng giúp VN-Index phần nào cân bằng và giữ được sắc xanh cho đến hết phiên.
Tại rổ VN30, dù nhiều cổ phiếu thu hẹp đà giảm về cuối phiên, nhưng VN-Index để vuột mốc 1.300 điểm.
Nếu như phiên sáng chỉ có HDB chốt phiên trong sắc dỏ, thì cuối phiên còn thêm CTB, VPB, TPB, SSI, MBB, GAS, MWG... Một số mã khác cũng thu hẹp đà đi lên và dừng tại tham chiếu ACB, BID, VCB, VNM, PLX, SAB.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hoá từ giữa phiên chiều. Trong khi, VIB tăng 2,6%, SSB tăng 2,4% là hai mã tăng mạnh nhất nhóm và TCB tăng 1,9%, khớp lệnh hơn 40,7 triệu đơn vị là mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung thì CTG, VPB, LPB là 3 mã kéo chỉ số đi lùi hơn 1 điểm.
Thanh khoản phiên hôm nay bật tăng cho thấy tâm lý thị trường đã phần nào cởi bỏ được áp lực để hướng tới chinh phục mốc 1.300 điểm. Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt. hơn 25.104 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng đóng góp cho sự hưng phấn của khối nội với tổng giá trị vào ròng đạt 472 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung mua TCB, VHM, FPT.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 270 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 4,26 điểm (+0,33%), lên 1.292,20 điểm điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 982,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 21.892 tỷ đồng, tăng 31% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 59,7 triệu đơn vị, giá trị 1.508,5 tỷ đồng.
Sàn HNX có 97 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,14 điểm (+0,49%), lên 236,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 126,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 123% về khối lượng và 94% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.044 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 155 mã tăng và 103 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,30%), xuống 93,28điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,3 triệu đơn vị, giá trị 987 tỷ đồng, tăng 67% về khối lượng và 51% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 26,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 311 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó, VN30F2410 tăng 3 điểm, tương đương 0,22% lên 1.360 điểm, khớp lệnh hơn 196.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.800 đơn vị.
Với diễn biến phiên hôm nay, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng phần đối với những mã đã đạt mục tiêu, gặp cản kháng cự cứng và có hiện tượng suy yếu. Thị trường đang ở vùng kháng cự mạnh nên nhà đầu tư nên bám sát diễn biến trong phiên giao dịch để có thể hành động kịp thời nhằm bảo toàn thành quả.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc giải ngân cho mục đích lướt sóng ngắn hạn trong các nhịp điều chỉnh rung lắc của thị trường chung, với ưu tiên là các cổ phiếu và nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2024 tốt cũng như đã thiết lập được nền tích luỹ đi ngang ổn định từ trước. Một số nhóm ngành như vậy có thể là thép, đầu tư công, vận tải cảng biển.
Theo Tài chính tiền tệ