1. Bị ngộ độc do ăn dưa lê để trong tủ lạnh
Nhiều người đã có thói quen bảo quản thức ăn, hoa quả đã gọt ăn không hết trong tủ lạnh, tuy nhiên có tâm lý thức ăn để trong tủ lạnh là an toàn.
Tuy nhiên, mới đây Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc do ăn dưa lê đã bổ để trong tủ lạnh từ tối hôm trước.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi ăn dưa lê khoảng 2 giờ thì bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu buồn nôn, nôn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng... Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dạ dày, sốt… Sau khi được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Các bác sĩ cho biết, nhiễm khuẩn nhiễm độc ăn uống thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Thời tiết nắng nóng của mùa hè rất dễ làm cho thực phẩm bị hư hỏng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm như: do nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chứa thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, kháng sinh, thức ăn bị hư hỏng, biến chất…
Biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường bao gồm: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải… Trường hợp ngộ độc nặng có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bên cạnh việc chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, chúng ta cần lưu ý cách chế biến và bảo quản đúng cách để thực phẩm không bị hư hỏng hay lây nhiễm chéo dẫn đến ngộ độc.
2. Nguyên nhân gây ngộ độc khi ăn trái cây
Mặc dù trái cây và rau quả được xếp trong danh sách là nhóm thực phẩm lành mạnh và an toàn, nhưng nếu không được sản xuất và bảo quản đúng cách cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, trái cây và rau sống có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại như Salmonella, E. coli và Listeria.
Hầu hết những người bị bệnh do vi khuẩn Salmonella đều bị tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày. Các triệu chứng thường bắt đầu từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Một số trường hợp có thể nghiêm trọng đến mức cần phải nhập viện.
E. coli là vi khuẩn được tìm thấy trong môi trường, thực phẩm và ruột của người và động vật. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn E. coli thường bao gồm đau bụng dữ dội, tiêu chảy (thường có máu) và nôn mửa…
Các dấu hiệu nhiễm khuẩn Listeria khác nhau tùy thuộc vào người bị nhiễm bệnh và bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Listeria cũng có thể gây bệnh đường ruột. Các triệu chứng của bệnh đường ruột như tiêu chảy và nôn mửa thường bắt đầu trong vòng 24 giờ sau khi ăn thực phẩm nhiễm vi khuẩn Listeria và thường kéo dài 1-3 ngày.
Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: Bảo quản thực phẩm sai cách có thể khiến thực phẩm bị lên men, hư thối, nhiễm khuẩn, nhiễm các loại vi khuẩn... làm tăng nguy cơ gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính, hoặc dẫn đến tình trạng suy các cơ quan, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài.
3. Cách lựa chọn, chế biến và bảo quản trái cây an toàn
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do ăn trái cây, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tất cả các loại trái cây, rau và thảo mộc tươi cần được rửa sạch trước khi ăn hoặc chế biến và tuân thủ các bước sau:
- Trước tiên chúng ta cần chọn sản phẩm không bị dập hoặc hư hỏng. Nếu bạn mua trái cây và rau củ đã cắt sẵn, hãy chọn những mặt hàng được bảo quản lạnh.
- Để riêng các loại trái cây và rau quả với thịt sống, thịt gà và các loại gia cầm khác cũng như hải sản trong giỏ hàng và túi đựng riêng.
- Cần rửa sạch tay và dụng cụ nhà bếp bao gồm cả thớt và mặt bàn trước và sau khi chuẩn bị trái cây và rau quả.
- Rửa sạch trái cây dưới vòi nước chảy ngay cả khi bạn không định ăn vỏ. Vi khuẩn trên vỏ có thể xâm nhập vào bên trong trái cây khi bạn cắt chúng.
- Không nên rửa trái cây và rau quả bằng xà phòng, chất tẩy rửa. Không sử dụng dung dịch tẩy trắng hoặc các sản phẩm khử trùng khác trên trái cây và rau quả.
- Cắt bỏ các phần bị dập nát trước khi ăn vì vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào trái cây nếu vỏ bị dập nát.
- Lau khô trái cây bằng khăn giấy sạch.
- Bảo quản trái cây riêng biệt với các thực phẩm sống từ động vật như thịt, gia cầm và hải sản.
- Cần làm lạnh trái cây trong vòng 2 giờ sau khi bạn cắt, gọt vỏ hoặc nấu chín (hoặc 1 giờ nếu tiếp xúc với nhiệt độ cao, chẳng hạn như trong xe hơi nóng hoặc khi đi dã ngoại).