Tiết kiệm hơn 70 triệu đồng sau 4 năm Đại học

Tăng thu nhập - giữ chi tiêu ở mức tối thiểu là 2 bước cơ bản để quản lý tài chính tốt và tiết kiệm của cô gái này.

Hải Phương (21 tuổi) đang là sinh viên năm cuối tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cô đã có khoản tiết kiệm hơn 70 triệu đồng sau 4 năm Đại học và 3 năm kinh nghiệm trong ngành Truyền thông.

“Mình mới có ý thức tiết kiệm từ năm 2. Mình để dành tiền khi trong đầu chưa có nhiều suy nghĩ dùng tiền vào các dự định lớn lao cụ thể như mua nhà, mua xe… Mình tiết kiệm tiền đơn thuần vì bản thân không cần dùng quá nhiều tiền, thêm vào đó là suy nghĩ cần dự phòng cho các trường hợp xấu trong tương lai.

Tiền tiết kiệm hoàn toàn do mình làm ra từ công việc văn phòng, không có từ tiền đầu tư. Số tiền để dành hiện có của mình không phải con số lớn, thậm chí có thể hết sạch sau một lần người khác đầu tư thất bại. Nhưng nó làm mình yên tâm hơn về cách bản thân quản lý thu chi".

Tiết kiệm
Ảnh minh hoạ

 

Dưới đây là bí quyết để Hải Phương có số tiền tiết kiệm khá lớn sau 4 năm.

1. Đi làm từ sớm

Hải Phương dành năm nhất để tham gia câu lạc bộ và học tập. Nhờ lời giới thiệu từ một người quen trong câu lạc bộ, cô nàng tìm được công việc part time trong ngành Truyền thông với mức lương 5 triệu đồng/tháng vào năm hai. Đó cũng là công việc văn phòng đầu tiên của Hải Phương. Sang năm hai, cô nàng cũng nhận lời làm công việc truyền thông cho một người thân, gồm quản trị Fanpage và trao đổi với các đối tác, nhận thêm thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng. Tổng cộng, cô nàng kiếm được 7-8 triệu đồng/tháng nhờ hai công việc.

Sang năm 3, do kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đã tăng lên nên cô nàng kiếm được 8-10 triệu đồng/tháng nhờ hai công việc này. Lên năm 4, tổng thu nhập của Hải Phương chạm mức 12 - 14 triệu đồng/tháng.

“Tận dụng các mối quan hệ và học cách làm việc chuyên nghiệp từ sớm. Đồng thời, bạn không nên đặt tâm lý phải gần ra trường mới đi tìm việc làm” là những chia sẻ của Hải Phương để tìm được công việc thuận lợi từ sớm.

Hải Phương nói thêm do xác định đi làm nhiều để tích lũy kinh nghiệm nên thành tích trên trường của cô nàng không quá ấn tượng. Cô nàng dự tính bản thân sẽ tốt nghiệp với bằng Giỏi tại trường và để đạt được thành quả này, Hải Phương cũng đã phải nỗ lực rất nhiều.

“Căng thẳng nhất là vào giai đoạn thi cuối kỳ. Mình sẽ dừng một công việc để tập trung vào 1 tháng ôn thi. Những ngày gần thi, chuyện mình chỉ được ngủ 5 tiếng/ngày là điều bình thường. Mình thường lên kế hoạch ôn tập trước ngày thi khoảng nửa tháng tháng để không bị vỡ kế hoạch, hoặc đạt điểm thấp".

2. Tiết kiệm chi tiêu

Hải Phương là người chi tiêu tiết kiệm, điều này được hình thành từ những trải nghiệm kinh tế gia đình khó khăn khi còn nhỏ.

Từ năm hai đến hiện tại, mỗi tháng cô nàng chỉ tiêu không quá 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, cô nàng còn gửi tiết kiệm online rất đều đặn. Tháng nào có lương hay thưởng thì cô đều gửi tiết kiệm, dù đó là con số ít. Cô nhấn mạnh, từ năm hai bản thân đã tìm hiểu các hình thức về gửi tiết kiệm, nhằm không muốn phụ thuộc các vấn đề tài chính từ gia đình.

“Nhiều người mình quen thường nhờ bố mẹ mua vàng hay gửi tiết kiệm hộ. Mình thấy điều này không sai, nhưng nó sẽ hình thành thói quen khiến bạn không tự chủ trong các vấn đề tài chính của mình. Mình quan niệm: Tiền cũng là một loại tài sản. Nếu mình không biết dùng tiền, đầu tư tiền đúng cách thì cũng giống như tài sản, chúng sẽ mất giá theo thời gian".

Tiết kiệm
Ảnh minh hoạ

 

Hải Phương chia sẻ cách cô phân bổ chi phí sinh hoạt : “Mình không đóng tiền nhà, mua thức ăn do ở cùng nhà bố mẹ. Tiền học phí là khoảng 10 triệu đồng/kỳ, tính ra mình chi 1,6 triệu đồng/tháng để đóng học phí. Mình bắt đầu đóng tiền học và không nhận trợ cấp từ gia đình khi bắt đầu là sinh viên năm 3. Khoảng 1 triệu đồng để đi cafe, xem phim và ăn uống bên ngoài cùng bạn bè. Thêm 1 triệu đồng mua mỹ phẩm, tiền xăng xe, đồ dùng học tập và đi làm. Còn lại là số tiền mình dành để đi du lịch. Mình thấy bản thân không quá tiết kiệm, bởi lối sống không đặt nặng vật chất".

Hải Phương cho hay, kể cả khi thu nhập tăng lên, cô nàng vẫn cố giữ mức chi tiêu này, nếu có thì chỉ gia tăng khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Tất nhiên, có những tháng Hải Phương chi tiêu vượt quá con số đề ra, thế nhưng tháng sau cô sẽ cắt giảm bằng việc mua sắm tiết kiệm, ở nhà nhiều hơn thay vì ra ngoài tụ tập cùng bạn bè, đồng nghiệp.

“Bạn không thể đoán trước những điều xảy ra trong tương lai. Mục tiêu tương lai của mình đơn giản thôi, đó là gia tăng thu nhập và giữ chi tiêu ở mức tối thiểu”, Hải Phương bày tỏ.

Theo Phụ Nữ Mới