Định vị thị trường
Thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu tăng lãi suất sau 17 năm không đem lại những phản ứng rõ ràng với chứng khoán châu Á. Chỉ số NIKKEI 225 (+0,66%) tăng điểm trong khi TWSE (-0,11%), KOSPI (-1,1%), SHCMP (-0,72%), SZI (-0,58%) lại đồng loạt giảm điểm.
Thị trường Việt Nam trong khi đó vừa phải trải qua một phiên giao dịch mang yếu tố cảm xúc. Ưu tiên của thị trường là sự ổn định thay vì tiếp tục chịu những xáo trộn mạnh. Câu trả lời có thể sẽ được kiểm chứng vào phiên chiều mai khi lượng cổ phiếu T+2 về tài khoản nhà đầu tư.
Còn ở trong phiên hôm nay, tạm thời sự cân bằng đã quay trở lại khi chỉ số chủ yếu giao dịch giằng co quanh tham chiếu.
Chất xúc tác
Trong chiều qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Đã có 14.999,9 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4%. Qua đó, NHNN đã hút ròng 14.999,9 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường tăng lên mức 89.998,8 tỷ đồng.
Tác động của phát hành tín phiếu tới thanh khoản hệ thống là không đáng kể khi lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm vẫn giảm tiếp về 0,34%.
Trong khi đó, tỷ giá tự do cũng ít có sự biến động với sự mức dao động vẫn được duy trì quanh 25.500 VND/USD còn tỷ giá trung tâm vẫn được giữ dưới 24.000 VND/USD.
Quy mô thanh khoản của thị trường sau phiên đột biến đã thu hẹp lại, khớp lệnh sụt 50% xuống 783 triệu đơn vị, mức dưới bình quân 20 phiên. Nguyên nhân đến từ hoạt động giao dịch của tiền nội đã co lại, điều này được thể hiện qua việc tỷ trọng giao dịch 2 chiều của nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng lên 12,12%.
Đồng thời, khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng với giá trị lớn, đạt -870 tỷ đồng. FUEVFVND (-450 tỷ đồng) tiếp tục là tâm điểm hoạt động bán ra bên cạnh các mã SSI (-160 tỷ đồng), VRE (-85 tỷ đồng), VPB (-80 tỷ đồng).
Theo thống kê, FUEVFVND đã bị bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trong tháng 3/2024, mức cao nhất từng được kể từ quỹ ETF đi vào hoạt động.
Vận động thị trường
Nhóm cổ phiếu bất động sản trong phiên hôm qua đã đi ngược lại hoàn toàn diễn biến chung nhưng với lượng tiền thu lại cùng tâm lý thận trọng, các mã DIG (-1,8%), TCH (-0,4%), PDR (-1,4%), DXG (-2,6%) đều không thể duy trì sắc xanh sang đến phiên chiều.
Đà tăng ở phiên sáng nay đã gặp phải những áp lực chốt lời nhanh của dòng tiền khiến cho các cổ phiếu này quay đầu. Trong khi đó, chỉ còn lại một số mã như AGG (+4,5%), NTL (+3,9%), VIC (+2%), VHM (+1,9%), TDC (+1,1%) giữ được sắc xanh.
Thay vào vị trí nhóm bất động sản, nhóm cổ phiếu thép mới để lại nhiều dấu ấn tích cực nhất với nỗ lực hồi phục của NKG (+6,3%), HSG (+2,5%), TLH (+2,4%), POM (+1,7%). Cổ phiếu HPG trong khi đó đóng vai trò thủ lĩnh với mức tăng nhẹ 0,7%.
Độ rộng của HOSE ghi nhận sắc đỏ nhỉnh hơn với tỷ lệ 45% mã giảm so với 40% mã tăng giá. Các nhóm ngành như chứng khoán, bán lẻ, khu công nghiệp đều giao dịch khá giằng co.
VN-Index đã tạm thời không xuất hiện thêm diễn biến tiêu cực nhưng vẫn cần phải đánh giá thêm phản ứng của nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong ngày hôm qua. Chỉ số chốt phiên giảm 1,1 điểm xuống 1.242 điểm (-0,09%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 21.649 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index cũng không tạo ra được sự khác biệt trong trạng thái tâm lý kể trên. Một số mã như DRI (+3,6%), MCH (+3,8%), DDV (+3,1%), BVS (+2%) tăng giá khá rời rạc khi số khác như L14 (-2,5%), MSB (-1,1%), LAS (-1%) đóng cửa giảm giá.
2 chỉ số biến động trái chiều nhau, lần lượt giảm 0,22% và tăng 0,31%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo Tài chính tiền tệ