Canh cánh nỗi lo bữa ăn bán trú
Thực phẩm bẩn, bữa ăn thiếu dinh dưỡng, thực đơn không khoa học là câu chuyện chưa bao giờ cũ khi bàn luận về chủ đề bữa ăn học đường. Đây cũng là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, thậm chí trở thành nỗi lo thường trực trong mọi gia đình.
Trăn trở về bữa ăn của con, chị Lê Thị Huyền (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, suất cơm của con dao động từ 30 đến 35 nghìn đồng/bữa, nhưng không nhiều phụ huynh biết con mình được ăn những gì, chế độ dinh dưỡng ra sao và thực phẩm có nguồn gốc như thế nào.
“Mỗi lần đi học về tôi đều hỏi con hôm nay ăn gì, rồi lo lắng, băn khoăn bữa ăn ở trường của con có đủ dinh dưỡng không, có an toàn không?
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm, trường học bị “tố” nấu ăn kém vệ sinh. Vì vậy, tôi luôn dạy con ăn uống lành mạnh, nếu cảm thấy đồ ăn bất thường phải thông báo ngay với giáo viên” - chị Huyền bày tỏ.
Kiến nghị phụ huynh được quyền chọn nhà cung cấp suất ăn
Khẳng định vai trò quan trọng của bữa ăn học đường trong đảm bảo phát triển của trẻ khi đang ở “tuổi ăn tuổi lớn”, TS-BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký - Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho rằng bữa ăn học đường rất quan trọng đối với sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ mầm non và tiểu học khi hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện và dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày, bữa ăn này còn giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Hàng năm, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra do nhiều khâu trong chuỗi cung ứng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có chung trăn trở, chị Phùng Ngọc Liên, phụ huynh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng bữa ăn bán trú của các học sinh là do phụ huynh trả tiền, nhưng phụ huynh chỉ được biết đơn vị cung cấp suất ăn qua thông báo của nhà trường chứ không được tham gia vào quá trình lựa chọn nhà cung cấp. “Trong năm học mới, tôi sẽ quan tâm nhiều hơn đến bữa ăn của con cũng như tiêu chí chọn nhà cung cấp suất ăn của trường” - chị Liên nói.
Cũng chia sẻ về nỗi lo này, chị Nguyễn Vân Anh - một phụ huynh trú tại quận Ba Đình, Hà Nội phân tích, trong chuỗi đảm bảo bữa ăn học đường an toàn, dinh dưỡng, đơn vị giám sát sát sao nhất sẽ là Hội phụ huynh học sinh. Vì vậy cần tăng cường vai trò của Hội trong việc giám sát bữa ăn bán trú, từ chất lượng nhà cung cấp suất ăn, đến nguồn gốc thực phẩm, chất lượng bữa ăn.
Phụ huynh này bày tỏ mong muốn các phụ huynh được trực tiếp tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, phối hợp cùng nhà trường kiểm soát bữa ăn hàng ngày của các con.
Hiện nay, các trường học thường lựa chọn đơn vị cung cấp suất ăn thông qua các tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Những tiêu chí này có đủ để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hay không? Một số trường hợp, doanh nghiệp chỉ cần nộp đủ hồ sơ là có thể được xét duyệt mà không cần kiểm tra kỹ lưỡng về năng lực thực tế. Điều này đặt ra nghi vấn về sự minh bạch và công bằng trong quá trình lựa chọn.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm hay chế biến suất ăn tại trường học hiện nay chưa thực sự công khai minh bạch, việc lựa chọn vẫn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường. Phụ huynh không được tham gia trực tiếp cùng với nhà trường đi thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quyết định và chưa được trực tiếp tham gia giám sát công tác nhận thực phẩm, chế biến tại bếp ăn hàng ngày. Nhiều trường cũng chưa chú trọng thông tin về thực đơn bữa ăn hàng tuần, hàng tháng để phụ huynh được biết.
Rất nhiều phụ huynh kiến nghị, các trường cần cho phép phụ huynh được quyền biết và tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn cho con mình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cung cấp suất ăn nhập nguồn thực phẩm từ các bên thứ ba, thứ tư mà không ai có thể chắc chắn về chất lượng thực phẩm này. Rất ít đơn vị có thể tự chủ được nguồn cung cấp thực phẩm, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bên thứ ba với mục tiêu thu lợi nhuận cao mà không quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm.