Nhóm Ngân Hàng Đẩy Trụ Cho Vn-Index Đầu Phiên, Các Chuyên Gia Kỳ Vọng Vào Chỉ Số Cuối Năm

Mở đầu tuần mới, VN-Index giảm điểm do sự gia tăng áp lực chốt lời ngắn hạn sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
image(6).png
Diễn biến VN-Index

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần (ngày 23/9) với sắc xanh nhờ sự nâng đỡ từ nhóm ngân hàng. Tuy nhiên động lực nhanh chóng suy yếu và phần lớn thời gian chỉ số chỉ lình xình quanh tham chiếu. Nhìn chung áp lực bán chưa có tín hiệu áp đảo lực mua, còn lực cầu đang chững lại tạo ra diễn biến giằng co ở biên độ hẹp trên thị trường. Dường như nhà đầu tư đang chờ đợi thêm các tin tức mới cũng như những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường để quyết định hành động tiếp theo.

Vận động của VN-Index trong phiên chiều gần như tương tự phiên sáng với những nhịp giằng co quen thuộc. Lực cầu tiếp tục duy trì ở nhóm ngành Ngân hàng, thép và bất động sản giữ chỉ số chung quanh mốc tham chiếu. Tới gần cuối phiên, áp lực bán dần quay trở lại với các cổ phiếu bất động sản (VIC), dầu khí (PLX) và bán lẻ (MWG) khiến chỉ số chung mở rộng biên độ điều chỉnh.

image(5).png
Bản đồ thị trường

Về độ rộng thị trường, trong khi ngân hàng, bất động sản, hàng hóa và dịch vụ công nghiệp là những ngành đỏ lửa, thì thực phẩm – đồ uống, dịch vụ tiện ích, xây dựng – vật liệu là những ngày ghi nhận sắc xanh.

Tại rổ VN30, SSB bị bán khá mạnh sau những phiên tăng khá tích cực trong tuần trước, đóng cửa mã này giảm 3,63%. Ngoài ra, VRE giảm 2,6%, PLX giảm 1,6% là những những mã có mức giảm đáng chú ý. Ở chiều ngược lại, BVH tăng 1,6%, SSI tăng 1,3% là điểm sáng.

Thanh khoản phiên hôm nay lại lùi về mức thấp. Giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 14.300 tỷ đồng.

Khối ngoại quay lại mua ròng sau 1 phiên bán ròng với giá trị mua ròng toàn thị trường hôm nay đạt 187 tỷ đồng, chủ yếu mua các mã MWG, FUEVFVND, HCM.

image(7).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 137 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,28%), xuống 1.268,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 564,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 12.900 tỷ đồng, giảm 37% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 108,5 triệu đơn vị, giá trị 2.447 tỷ đồng.

Sàn HNX có 67 mã tăng và 89 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,39%), xuống 233,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị đạt 852 tỷ đồng, tăng 3% về khối lượng và giảm 29% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.022 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 130 mã tăng và 148 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 93,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44 triệu đơn vị, giá trị 551 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 137 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2410 đáo hạn gần nhất vào ngày 17/10, đóng cửa giảm 4,5 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.325,5 điểm, khớp lệnh gần 129.850 đơn vị, khối lượng mở 53.940 đơn vị.

Với diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời từng phần đối với những mã đã đạt mục tiêu và có dấu hiệu suy yếu khi biên độ điều chỉnh lớn, ngược lại đối với những mã vẫn duy trì được xu hướng như vẫn bám sát đường MA20 và áp lực bán không đáng kể thì nên tiếp tục duy trì.

Theo VCBS, các nhóm ngành mang tính dẫn dắt vẫn nên là ưu tiên giao dịch trong giai đoạn này như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tận dụng các nhịp rung lắc để giải ngân từng phần ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ có kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực trong quý III/2024.

Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, ông Đinh Quang Hinh,Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT lưu ý, xu hướng giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ. Việc FED giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

“Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc FED giảm lãi suất cũng khiến chỉ số DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm”, ông Đinh Quang Hinh đánh giá.

Do đó, chuyên gia này duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-INDEX vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường. Do đó những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.