Đầu đội sổ, vai gánh chứng từ
Gần 20 năm làm kế toán, chị Ngọc Trinh (42 tuổi, ngụ tại TPHCM) nói nửa thật nửa đùa rằng, chị vẫn không hiểu vì sao bản thân có thể vượt qua những áp lực, bám trụ với nghề đến giờ.
"Kế toán mở mắt ra là thấy số, đi ngủ cũng mơ thấy những con số. Sai một số thôi thì đơn giản nhất cũng là công cốc, nghiêm trọng hơn thì... khó lường.
Thời gian bận rộn nhất là vào cuối tháng hoặc cuối năm. Lúc đó tôi phải làm việc quên ăn, quên ngủ mới kịp xong bản báo cáo cho công ty. Nhiều lúc cũng chạnh lòng vì không có thời gian cho gia đình", chị Trinh than thở.
Khi mới tốt nghiệp đại học, Trinh xin được công việc với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng. Dần dà, thu nhập tăng lên 8 chữ số nhưng áp lực và trách nhiệm cũng nhiều hơn. Theo chị, mức lương này có thể lên đến hàng trăm triệu đồng nếu kế toán có cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.
Chị Trinh bộc bạch, nghề này dễ xin việc nhưng rất khó trụ lại lâu năm. Nhiều đồng nghiệp của chị không chịu nổi áp lực mà bỏ nghề. Không ít người chọn tiếp tục công việc nhưng tâm huyết, hào hứng đều cạn sạch, tâm trạng và tính cách thường mỗi ngày một tệ hơn.
"Người mới vào nghề thường phải làm quen với kiến thức và khối lượng công việc khổng lồ. Mỗi công ty hoạt động ở lĩnh vực khác nhau nên báo cáo, chứng từ luôn có phần khác biệt. Hơn nữa, các quy định pháp luật liên quan đến kế toán cũng luôn thay đổi, người làm phải cập nhật thường xuyên để tránh sai sót", chị Trinh nói.
Thời gian đầu mới vào nghề, chị Trinh không tránh khỏi sai sót trong công việc, nhưng may mắn vẫn được lãnh đạo hỗ trợ đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
Thế nhưng, chị Trinh nhấn mạnh, kế toán nếu không tỉnh táo sẽ dễ vướng vòng lao lý. Bởi sai sót nhỏ hay việc nổi lòng tham có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ngoài ra, nếu lãnh đạo công ty có ý định trốn thuế mà kế toán đồng ý tiếp tay thì lời đồn "nghề này dễ đi tù" sẽ xảy ra.
Nỗi khổ bị "réo" tên
Cứ đến ngày chi lương, chị Hồng Ngọc, kế toán tại công ty ở quận 4 (TPHCM), lại mệt mỏi vì bị "réo" tên.
"Nhiều người thường đổ lỗi lương đến chậm là do kế toán bận việc riêng, nhưng thực tế không phải", chị nói.
Theo chị Ngọc, không phải công ty nào cũng phân công cho kế toán làm người chi lương, mà đôi lúc người phụ trách lên bảng lương là một nhân sự khác. Trong đó, kế toán chỉ là người xem xét, trình lên cho lãnh đạo ký tên. Vì thế, đôi lúc kế toán thường bị đổ oan là làm chậm lương của đồng nghiệp.
Không những vậy, khâu thanh toán công tác phí là mệt mỏi nhất. Lắm lúc, Ngọc phải đứng giữa sếp và đồng nghiệp, không biết phải chi như thế nào là phù hợp.
"Chi nhiều thì lãnh đạo khó chịu vì thâm hụt quỹ chung, chi ít thì đồng nghiệp phản ứng, thậm chí trách mình ích kỷ, không nghĩ cho họ. Làm nghề này rất khổ, không dám than thở với ai. Những người ở phòng kế toán cũng đủ hiểu nỗi khổ của nhau nên chẳng ai chia sẻ với ai câu nào", chị Ngọc trải lòng.
Công việc áp lực, đầu óc chị Ngọc luôn trong tâm thế rối bời. Vì thế, cơ mặt chị lúc nào cũng căng thẳng khiến người khác hiểu nhầm chị là người khó tính, khó gần.
"Người nào yêu nghề và có sức chịu đựng nhiều lắm mới trụ được. Thế nhưng, nghề này cũng có cái hay. Nó rèn luyện cho tôi tính tỉ mỉ, cẩn thận và chỉn chu. Ngoài ra, nếu làm lâu năm, thu nhập của nghề cũng ổn định, giúp tôi chăm lo được cho gia đình", chị Ngọc chia sẻ.
Việt Nam vẫn chưa có nhiều số liệu thống kê cụ thể liên quan đến nhân sự làm nghề kế toán.
Tại Mỹ, theo tờ Wall Street Journal, hơn 300.000 kế toán và kiểm toán tại Mỹ đã bỏ việc trong 2 năm (2020-2022), tương đương mức giảm 17% lao động trong ngành. Ngoài ra, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành này hiện không đủ lấp đầy nhu cầu tuyển dụng, do tâm lý không muốn hi sinh thời gian, công sức cho một công việc quá vất vả.
Theo khảo sát của hãng tư vấn nhân lực Robert Half International Inc, 87% quản lý tại Mỹ nhận định họ ngày càng khó kiếm được nhân sự phù hợp cho các vị trí kế toán, phân tích tài chính,...
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu