Yên Tử luôn là một vùng đất linh thiêng trong kí ức của người Việt từ xưa tới nay - là nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn làm nơi tu hành và sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc của người Việt.
Lễ hội xuân Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn ghi nhớ về cội nguồn, để kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân và cầu mong Đức Phật hoàng sẽ tiếp tục phù hộ độ trì cho non sông nước Việt quốc thái dân an, đồng thời phải biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà tổ tiên ta để lại, nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Lễ khai Hội xuân Yên Tử 2025 sẽ diễn ra từ 8h30 – 9h45 ngày 7/2/2025 (ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2025, Lễ khai Hội Xuân Yên Tử được tổ chức đặc biệt hơn, tái hiện lại một lễ hội Xuân xưa mang đậm nét truyền thống gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như Gióng trống, Thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử... cùng với phần biểu diễn văn nghệ khai hội với sự góp mặt của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Nghi lễ rước kiệu năm 2025 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 10 đội kiệu đến từ các địa phương thuộc thành phố Uông Bí cùng với Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh hứa hẹn sẽ mang đến một lễ hội Khai xuân long trọng, quy mô và mang đậm nét truyền thống của người Việt.
Ngoài những điểm di tích nổi tiếng, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm - tọa lạc dưới chân núi Yên Tử đã tái hiện lại một không gian Tết truyền thống với chuỗi hoạt động - trò chơi mang đậm văn hóa Việt xưa, mang lại cho du khách kì du Xuân thêm trọn vẹn.
Các hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Tinh hoa Văn hoá Việt” diễn ra cả ngày tại các địa điểm tại khu danh thắng gồm: hướng dẫn thiền, yoga, phương pháp thở luân phiên, thiền buông thư tại Phòng Tranh và Phòng Thiền; trải nghiệm “Du Xuân rộn ràng - Về Làng Nương thôi”; Khai bút đầu xuân, in tranh Đông Hồ ngày xuân, chơi pháo đất, nặn tò he, vặn bóng bay nghệ thuật, các trò chơi dân gian như ô ăn quan, đẩy gậy, cờ tướng, ném còn, kéo mo cau, nhảy lò cò, ném vòng tre…
Bên cạnh đó là hoạt động góc trưng bày và diễn giải “Những dấu mốc nổi bật trong cuộc đời, sự nghiệp của Phật Hoàng” - Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Yên Tử tại Khu thưởng lãm Phòng An & trải nghiệm in mộc bản bài Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông với sự tham gia của nghệ nhân đến từ làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu; trải nghiệm tại khu vực quảng trường Minh Tâm: cưỡi ngựa, bắn cung, bắn súng đạn nhựa nắp chai; “Đêm hội Làng Nương”; lễ hội hoa đăng tại Gương Thiền, Hồ Ngoạn Nguyệt.