Ngày 25/5, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết phản ánh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên có nhiều khúc mắc, nhiều điểm không minh bạch làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo phản ánh của người dân thôn Đông Yên, có rất nhiều vấn đề tồn tại xung quanh dự án khu nhà ở thôn Đông Yên do Công ty TNHH REQ làm chủ đầu tư như: Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa tại dự án; khung giá bồi thường áp dụng thấp hơn so với các dự án cận kề; dự án mới chỉ san lấp được một phần diện tích, còn lại vẫn chỉ là những cánh đồng lúa nhưng đã được rao bán rầm rộ, có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Theo tài liệu phóng viên có được, ngày 7/11/2020, Công ty cổ phần Savvy Technology (đơn vị mà Công ty TNHH REQ hợp tác về việc tư vấn, môi giới, tổ chức mua bán nhà ở… tại Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên) đã kí văn bản thỏa thuận với khách hàng tại lô L23 - 26, sau đó thu tiền đợt 1 của khách hàng với số tiền là 524.000.000 đồng.
Ngày 29/10/2021, Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên mới được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh ra văn bản đủ điều kiện huy động vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở theo khoản 2 Điều 69 Luật Nhà ở năm 2014 tại văn bản số 2141/SXD-QLN.
Tiếp đó, ngày 9/12/2021, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Đầu tư Xhomes (đơn vị mà Công ty TNHH REQ hợp tác về việc tư vấn, môi giới, tổ chức mua, bán nhà ở… tại Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên) cũng đã ký thỏa thuận đặt cọc với khách hàng tại lô L8 - 02 để nhận số tiền 2,2 tỷ đồng từ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn H. - người dân thôn Đông yên, xã Đông Phong, không biết họ mua bán thế nào mà từ cuối năm 2020 đã thấy nhiều người đổ về dự án này nhiều lắm, đông như hội chợ, giao dịch rầm rộ cả ngày. Mà dạo ấy đã thấy công ty họ xây dựng gì đâu, bồi thường cũng đã xong đâu, toàn ruộng lúa không thôi, thế mà người ta cũng mua ầm ầm.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu UBND huyện Yên Phong rà soát, kiểm tra trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, quy hoạch chi tiết thiết kế, dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính, đất đai, tình hình triển khai đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng và hồ sơ pháp lý liên quan của dự án khu nhà ở thôn Đông Yên. Đồng thời, yêu cầu Công ty TNHH REQ - Chủ đầu tư dự án dừng việc rao bán, quảng cáo và hoạt động giao dịch, ký kết hợp đồng góp vốn, huy động vốn, kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty Luật CHD Law cho biết, Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng bất động sản cụ thể là chủ đầu tư và khách hàng. Pháp luật quy định công ty môi giới bất động sản chỉ được thực hiện các hành vi trung gian cho các bên có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản và hưởng thù lao từ các giao dịch này. Công ty môi giới bất động sản thỏa thuận hợp tác về dịch vụ môi giới dự án khu nhà ở. Do đó, công ty môi giới chỉ được ký kết hợp đồng môi giới bất động sản và hưởng lợi từ hợp đồng dịch vụ này mà không có quyền ký kết hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc bất động sản.
“Hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng bất động sản được công ty môi giới ký kết với khách hàng bị vô hiệu. Bởi lẽ chủ thể và đối tượng của Hợp đồng không đáp ứng các điều kiện để Hợp đồng có hiệu lực theo quy định của Bộ luật Dân sự” - Luật sư Hùng nhấn mạnh.
Luật sư Hùng cho biết thêm, việc công ty TNHH REQ huy động vốn là khoản tiền mua nhà hình thành trong tương lai từ khách hàng khi chưa đầy đủ điều kiện pháp luật. Căn cứ theo điểm đ khoản 4 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động vốn không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đây đồng thời cũng là mức xử phạt cao nhất với các hành vi vi phạm về xây dựng tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã nhận được thêm thông tin từ người dân về việc trong tổng số diện tích 12,3ha đất thu hồi để thực hiện Dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên đều là đất trồng lúa, tuy nhiên, tại Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 về việc UBND tỉnh Bắc Ninh giao đất cho UBND huyện Yên Phong thì lại chỉ ghi nhận 96.782.5m2 đất trồng lúa, còn lại được chia ra là đất chuyên dùng, đất nuôi trồng thủy sản, đất bằng chưa sử dụng, đất giao thông, đất thủy lợi…
Từ đó, dư luận hoài nghi về việc liệu các cấp chính quyền có đang “hợp thức hóa” để giảm diện tích đất trồng lúa xuống dưới 10ha để dự án được thực hiện mà không phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hay không?
Phóng viên cũng đã liên hệ làm việc với UBND huyện Yên Phong để thông tin được khách quan, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kì phản hồi nào.
Được biết ngày 22/4 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh có văn bản số 696/SXD-QLN đề nghị Chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh báo cáo về việc thực hiện công khai, minh bạch và bình ổn thị trường bất động sản trên địa bàn. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Bắc Ninh chưa nhận được báo cáo của Công ty TNHH REQ báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản và các nội dung theo văn bản số 696/SXD-QLN đối với dự án Khu nhà ở thôn Đông Yên.
Đến ngày 2/6, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có văn bản số 966/SXD-QLN đề nghị Công ty TNHH REQ báo cáo, làm rõ các nội dung mà Báo Đại Đoàn Kết phản ánh, gửi về Sở Xây dựng trước ngày 9/6/2022. Tuy nhiên, đến nay, Sở Xây dựng tỉnh này vẫn chưa nhận được báo cáo của Công ty TNHH REQ.
Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND huyện Yên Phong chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của Báo chí, kịp thời ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động đầu cơ, huy động vốn, có hành vi trục lợi (nếu có), tránh gây bức xúc trong dư luận. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Theo daidoanket.vn