Phát biểu tại lễ khai hội, ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2025 cho biết, lễ hội năm nay mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị văn hóa tín ngưỡng và vẻ đẹp của khu quần thể danh thắng Hương Sơn.
Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, bảo đảm không gian xanh, sạch, đẹp, tạo cảnh quan cho du khách về tham quan du xuân. Đặc biệt, chúng tôi chỉ đạo nâng cao chất lượng của hợp tác xã xuồng đò, để phục vụ bà con du khách phật tử được tốt nhất, bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự.
Điểm quan trọng nữa là thực hiện tốt công tác phân luồng giao thông cả đường thủy, đường bộ và giữ gìn an ninh trật tự. Chỉ đạo niêm yết công khai giá vé dịch vụ, để du khách thực hiện tốt theo hướng dẫn của ban tổ chức.
“Ngoài công tác tuyên truyền thì cũng mong rằng du khách về tham quan lễ Phật thực hiện tốt quy định của ban tổ chức đề ra; chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh, lịch sự. để một mùa lễ hội được “an toàn, văn minh và thân thiện".
Lễ hội chùa Hương kéo dài trong 3 tháng mùa xuân, từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến ngày 25 tháng 3 Âm lịch. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra ngày 3/2-1/5 (Mùng 6 tháng Giêng - Mùng 4 tháng Tư năm Ất Tỵ).
Một điểm mới tại lễ khai hội là việc đón nhận quyết định của UBND TP Hà Nội công nhận Khu di tích danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) là khu du lịch cấp thành phố.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa trụ trì Thích Minh Hiền, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng, đây là niềm vui niềm vinh dự là sự quan tâm của TP. Hà Nội trong công tác phát huy các giá trị di sản trong khu di tích danh thắng Hương Sơn để trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô.
Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền: "Quần thể khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích quốc gia lần đầu tiên năm 1962. Gần đây nhất, tháng 12/2017, chùa Hương được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Giá trị đó thật xứng danh câu nói của tiền nhân “Hương tích đệ nhất giang sơn”.
Ngoài lễ khai hội, trong 3 tháng diễn ra tại đây còn có nhiều hoạt động như Tết Nguyên tiêu vào đêm rằm tháng Giêng; triển lãm mỹ thuật Phật giáo cùng với Khánh đản- Tuần lễ văn hóa phật giáo…
Theo Trưởng Ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Bùi Văn Triều,tính từ chiều 28/1 (tức 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ), huyện Mỹ Đức đã đón hơn 8,7 vạn lượt khách thập phương về tham quan, thắng cảnh chùa Hương. Trong ngày khai hội, chùa Hương dự kiến đón 2 vạn lượt khách tham quan, lễ chùa.
Năm nay, huyện Mỹ Đức quyết định phát hành vé điện tử tham quan thắng cảnh tích hợp với sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò, thực hiện niêm yết giá vé công khai. Điều này giúp giảm thời gian xếp hàng, hạn chế tình trạng chen lấn và tạo sự thuận tiện tối đa cho du khách khi hành hương về chốn tâm linh.
Về giá vé các dịch vụ tại lễ hội năm nay, Ban tổ chức công bố giá vé tích hợp phí tham quan và dịch vụ vận chuyển bằng thuyền đò tuyến Hương Tích là 230.000 đồng/người lớn, 65.000 đồng/trẻ em. Tuyến Long Vân - Tuyết Sơn có giá 85.000 đồng/người lớn, 50.000 đồng/trẻ em.
Dịch vụ cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích có giá vé khứ hồi 260.000 đồng/người lớn, 180.000 đồng/trẻ em; vé một lượt là 180.000 đồng/người lớn, 120.000 đồng/trẻ em.
Vé xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò có giá 20.000 đồng/người/lượt. Đối với phí trông phương tiện, huyện Mỹ Đức đề xuất mức giá 30.000 đồng/lượt đối với ô tô dưới 9 chỗ, 50.000 đồng/lượt với xe trên 10 chỗ, gửi xe qua đêm thu thêm 20.000 đồng/xe.
Điểm mới của lễ hội Chùa Hương năm nay là Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã chỉ đạo hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương phân luồng xuồng, đò hợp lý phục vụ du khách với giá niêm yết công khai không còn tình trạng chèo kéo khách từ xa.
Xuồng, đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao. Ban tổ chức trang bị giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí...
Mỗi lái đò đều dùng điện thoại quét mã vé của khách. Mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để Hợp tác xã quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.
Ban tổ chức cũng bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương Tích, ga cáp treo, sân Thiên Trù để đảm bảo an toàn cho du khách.
Với sự chuẩn bị chu đáo và đổi mới trong công tác tổ chức, Lễ hội chùa Hương năm 2025 hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm đáng nhớ, vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa phù hợp với nhu cầu của du khách trong thời đại số hóa.