Sáng nay (4/8), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,2 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1 - 1,02 triệu đồng/lượng.
Chiều qua (3/8), các doanh nghiệp lớn niêm yết vàng miếng SJC tại 66 - 67,02 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Chênh lệch mua bán vẫn ở mức cao, lên tới 1,02 triệu đồng/lượng.
Trong ngày 3/8, giá vàng miếng SJC biến động không ngừng. 9h, giá là 67,2 - 68,22 triệu đồng/lượng (mua - bán) nhưng 14h, giá vàng giảm về 66,2 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đến 16h, giá vàng giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua, giảm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với lúc 9h.
Diễn biến của giá vàng trong phiên hôm qua không khác gì phiên 18/7 khi giá vàng nhảy múa lên xuống loạn xạ.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.768 USD/ounce (tương đương 49,94 triệu đồng/lượng), giữ nguyên giá so với phiên cũ. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,68 triệu đồng/lượng.
Trái với kỳ vọng của giới đầu tư, giá vàng thế giới đang hồi phục chậm và khó duy trì mức 1.800 USD/ounce. Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 3 (giao dịch trên 2.000 USD/ounce), kim loại quý đã "bốc hơi" 11% giá trị.
Sự trượt giá này được thúc đẩy bởi đồng USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diều hâu trong vấn đề lãi suất. Hơn nữa, lợi tức kho bạc Mỹ liên tục tăng cao cũng là nguyên nhân dìm giá vàng.
Ông Caroline Bain, kinh tế trưởng Capital Economics dự báo, cuối năm nay giá vàng có thể giảm về 1.650 USD/ounce. Theo ông, kim loại quý chỉ "dễ thở" khi các chính sách về tài chính, tiền tệ được nới lỏng. Và điều này phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lạm phát được hạ nhiệt ra sao.
Dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, thị trường vàng trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến nhu cầu tăng mạnh mẽ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm lại kể từ quý II. Những thách thức trong nền kinh tế vừa tạo ra những trở ngại, đồng thời cũng mang lại cơ hội cho vàng.
Trong triển vọng trái chiều, các nhà phân tích cho rằng áp lực lạm phát dai dẳng cùng với sự bất ổn của thị trường ngày càng tăng sẽ hỗ trợ giá vàng trong suốt thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, đà tăng giá ổn định của đồng USD sẽ đóng vai trò như một "cơn gió ngược".
Còn ông George Milling Stanley, chuyên gia từ State Street Global Advisors lại cho rằng, vàng còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Những bất ổn về mặt kinh tế, chính trị khiến sứ mệnh nơi trú ẩn của vàng được đề cao.
"Hiện tại, các thị trường lo sợ về suy thoái kinh tế hơn là việc Fed tăng lãi suất. Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thì Fed cũng khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn. Và thị trường không thích điều này nhưng vàng sẽ được hưởng lợi", ông nói.
Theo dantri.com.vn