Thay đổi thói quen chi tiêu
Thuở còn 20, mới chập chững vào đời, chúng ta có thể nhờ tới sự trợ giúp của gia đình khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hoặc trong vấn đề tài chính. Nhưng khi đã bước sang tuổi 30, gia nhập hội U40, nếu là người có lòng tự trọng và có chí, dựa vào bố mẹ, anh chị em để giải quyết những khó khăn của bản thân, có lẽ là điều không nên.
Bố mẹ đã già, nếu chưa thể báo hiếu, cũng đừng nên làm họ phải lo lắng, phiền lòng. Anh chị em cũng đã có gia đình và cuộc sống riêng cần lo. Lúc này, nếu gặp vấn đề, chúng ta nên dựa vào chính sức lực của mình.
Là một người phụ nữ 33 tuổi, vừa trải qua một biến cố về sức khỏe, tốn không ít tiền bạc, Diễm An (Hà Nội) đã ngộ ra 5 bài học đắt giá. Cô đã có những chia sẻ chi tiết, chân thực về 5 bài học này.
1. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Đây không phải là khoản tiền thay thế cho tiền tiết kiệm, cũng không phải là tiền tiết kiệm. Sau khi vượt qua một trận ốm "thập tử nhất sinh", phải điều trị gần 4 tháng, tôi nhận ra mình cần rạch ròi khoản tiết kiệm và khoản tiền cho những lúc khẩn cấp. Một vài hình thức gửi tiền tiết kiệm không cho phép chúng đáo hạn trước kỳ, nên sẽ không thể dùng khi bất chợt ốm nặng, gặp tai nạn,...
Bạn có thể lập một tài khoản riêng để "đặt" số tiền cho quỹ khẩn cấp, hoặc giữ khoản tiền này trong chính tài khoản chi tiêu bình thường nếu bạn có đủ tự tin rằng mình sẽ không "tiêu lẹm" vào đó.
2. Chọn sản phẩm chất lượng tốt thay vì đồ rẻ nhưng chất lượng chỉ "tạm ổn"
Thời còn trẻ, tôi nghĩ rằng tại sao cần phải dùng số tiền có thể mua được 3 bộ đồ, để "hốt về" 1 chiếc áo được quảng cáo là chất lượng tốt, tôn dáng cơ chứ!
Nói cách khác, tôi từng ưu tiên số lượng hơn chất lượng, không chỉ trong lĩnh vực thời trang mà cả đồ dưỡng da, đồ trang điểm cũng vậy.
Nhưng tin tôi đi, tuổi 30 không phải một trò đùa! Nếu cứ khoác lên mình những bộ đồ quá rẻ tiền, trông bạn sẽ không thể toát lên vẻ tinh tế, sang trọng được.
Tương tự với son môi và đồ dưỡng da nói chung, tuổi tác làm làn da chúng ta nhạy cảm hơn bao giờ hết. Nếu không muốn đôi môi mình bợt bạt thiếu sức sống, đừng chọn son dưỡng hay son màu quá rẻ. Hãy tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, đó mới là chi tiêu thông minh ở ngưỡng U40.
3. Nâng cao nhận thức về đầu tư tài chính
Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh chính là phải hiểu, phải phân biệt được các loại hình đầu tư khác nhau trước khi thực sự bắt đầu đầu tư. Nếu chưa phân biệt được cổ phiếu với trái phiếu,... hãy cứ để tiền tiết kiệm ở yên trong tài khoản là được rồi. Đừng mạo hiểm kẻo mất hết!
4. Tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít hơn
Khi còn trẻ, người ta dễ rơi vào bẫy "thời trang" và chi tiêu cho những thú vui ngắn hạn: Quần áo vẫn chen chúc trong tủ nhưng cứ mỗi đợt giao mùa, tôi vẫn phải sắm thêm ít nhất 4 bộ đồ mới cảm thấy tự tin ra ngoài. Nhưng khi đã qua tuổi 30, tôi nhận ra đó là hành vi mua sắm quá phù phiếm.
Thay vì đầu tư vào trang phục, tôi nghĩ mình nên chú ý hơn đến việc lập kế hoạch tài chính dài hạn. Tiết kiệm nhiều tiền hơn chi tiêu không chỉ mang lại sự an tâm tài chính trong tương lai mà còn giúp chúng ta bớt bất an khi đối mặt với những trường hợp khẩn cấp như ốm đau, gặp tai nạn hay đơn giản hơn là xe cộ, điện thoại tự nhiên lăn ra hỏng.
5. Tránh đi du lịch vào "giờ cao điểm"
Du lịch là một trải nghiệm tuyệt vời và nó sẽ càng tuyệt hơn nếu bạn có thể lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình một cách chi tiết, tối ưu hơn thay vì hứng lên là đi. Tìm kiếm các chương trình giảm giá, đặt chỗ sớm và chọn đi du lịch trái mùa có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền, đồng thời cho phép bạn tận hưởng một kỳ nghỉ yên bình hơn, thư giãn hơn. Bước qua tuổi 30, tôi thực sự cảm thấy việc đi du lịch mà phải chen lấn nhau là một sự kinh hoàng tột độ!