Cửa rộng cho chanh leo Việt
Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), phía Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng...
Từ 1/7, chanh leo Việt Nam sẽ được xuất khẩu thí điểm sang thị trường Trung Quốc |
Phía bạn đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra trong các lô hàng xuất khẩu. Phía bạn cũng đề nghị, việc sản xuất chanh leo phải đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc...
Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.
Chuẩn hóa sản xuất để ‘đi xa’
Chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam tăng hơn 300%. Hiện xuất khẩu chanh leo của Việt Nam chỉ đứng sau Brazil, Peru, Ecuador.
Chanh leo liên tục gia tăng về diện tích gieo trồng vài năm qua, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Sản lượng chanh leo ước đạt 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Lợi nhuận trên mỗi hecta chanh leo có thể lên tới 350-400 triệu đồng.
Để đón đầu cơ hội xuất khẩu, nhiều địa phương cũng đã có kế hoạch xây dựng và mở rộng diện tích vùng trồng. Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, Gia Lai vừa ban hành đề án phát triển cây ăn quả định hướng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh dự kiến đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000 hecta vào năm 2025, và 100.000 hecta vào năm 2030 (hiện tỉnh có khoảng 21.500 hecta diện tích cây ăn quả)
Để làm được điều này, Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả. 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm: chanh leo, chuối, bơ và sầu riêng. Trong đó, Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000 hecta lên 20.000 hecta, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 – 400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân.
“Với định hướng xuất khẩu, Gia Lai chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong công tác tổ chức sản xuất, với diện tích hiện tại khoảng 9.000 hecta, tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai đã có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói”, ông Đoàn Ngọc Có nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự chủ động của Gia Lai trong việc mở rộng diện tích chanh leo, bám sát tín hiệu thị trường, tạo ra thế mạnh phát triển vùng, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho rằng, song song với việc chuẩn hóa nông sản, các địa phương cần đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản rau quả, đầu tư vào chuỗi kho lạnh. Tất cả phải đi vào thực chất và giúp bà con nông dân yên tâm canh tác trên chính thửa ruộng của mình.
Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chanh leo Việt Nam. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần liên hệ Cục Bảo vệ thực vật để đăng ký và được hướng dẫn. Đây là loại quả có tiềm năng lớn tại Trung Quốc, có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao.
Ông Lê Văn Thiện cũng lưu ý, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của trái cây Việt Nam và họ đang tăng cường kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhất là các mặt hàng như thanh long, xoài, dưa hấu,… và ghi nhận một vài trường hợp không đạt, nhất là các tiêu chí về kiểm soát Covid-19.
Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp và địa phương phải hết sức chú ý thực hiện đúng các quy định vì Trung Quốc sẽ chỉ thông báo trước từ 3 - 5 ngày. Khi phát hiện vi phạm, tùy mức độ có thể tạm ngưng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết:
Hiện nay, các mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng tươi với 75,9%; còn lại là đã qua chế biến. Top 10 trái cây xuất khẩu tươi của Việt Nam năm 2021 là thanh long (tỷ lệ cao nhất, chiếm 33,9%), xoài (6,5%), chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. Những thị trường tiêu thụ nhiều nhất trái cây của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Nga, Australia. |
Theo congthuong.vn