Trái cây ngoại tràn ngập thị trường
Thị trường tháng 7 âm lịch, thường gọi là tháng chay, sức mua các mặt hàng trái cây tăng khá mạnh với đủ mặt hàng, phân khúc. Trái cây bình dân ở chợ truyền thống hiện có lựu, lê, nho xanh Trung Quốc. Trong đó, lựu dù mới vào mùa nhưng giá bán lẻ chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, bán rất chạy do hạt đỏ, vị ngọt.
Trong khi đó, siêu thị đang tràn ngập các loại táo từ nhiều nước như: New Zealand, Pháp, Nam Phi… với giá từ 49.000 - 200.000 đồng/kg tùy giống, kích cỡ và xuất xứ.
Ghi nhận tại siêu thị MM Mega An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), táo Nam Phi loại túi 3 kg được bày ngay lối vào để thu hút khách. Phía bên trong khu vực trái cây các loại được đổ đống, bên dưới kê các thùng đựng táo rất bắt mắt cho khách hàng lựa chọn. Tại các cửa hàng tiện lợi, dù diện tích nhỏ nhưng tủ mát luôn dành vị trí đẹp để trưng bày các loại trái cây ngoại như táo, lê, cam vàng, cherry…
Bà Nguyễn Tuyết Nga - chủ một cửa hàng thực phẩm cao cấp tại quận 12, TP HCM - cho hay trước dịch COVID-19, cửa hàng chủ yếu bán các loại thực phẩm khô ăn liền, còn nay tập trung bán trái cây ngoại.
"Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nhiều thứ nhưng lại tăng mua trái cây vì quan tâm hơn đến sức khỏe. Trái cây ngoại giờ rẻ lắm, về giá trị thật, nên không còn đắt đỏ như trước, dễ mua hơn. Khu vực cửa hàng tôi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, họ thường đặt mua chung theo giá sỉ nên càng rẻ" - bà Nga nói thêm.
Cũng theo bà Nga, trái cây ngoại luôn là ưu tiên số 1 để làm quà biếu hay đi đám tiệc và nhóm khách hàng này thường ít quan tâm về giá, miễn đóng gói sao cho thật đẹp, thật sang và trái cây phải chất lượng. "Trái cây nhập khẩu đã qua tuyển chọn, chỉ cần hàng mới về thì quả nào cũng ngon, đồng đều, còn hàng trong nước lựa rất cực, dù cố gắng vẫn có tỉ lệ quả hỏng" - bà Nga dẫn chứng.
Theo một nhà nhập khẩu trái cây tại TP HCM, giá nhiều loại táo đang rẻ hơn trước do các doanh nghiệp nhập loại cỡ nhỏ và siêu nhỏ. Những loại táo này trước đây các trang trại của nước ngoài phải bán cho chế biến với giá rẻ thì nay bán tươi cho Việt Nam vì vừa hợp thị hiếu vừa túi tiền, dễ chia. Trái cây nhập khẩu nhiều loại bảo quản được lâu, lưu trữ kho lạnh bán dần nên ít bị áp lực bán nhanh.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay trồng được nhiều loại trái cây giống cao cấp như nho mẫu đơn, lê nâu, kiwi, đào vàng… với chất lượng khá tốt nhưng giá rẻ hơn nguồn từ nhiều nước. Những dòng hàng này thường được bán với tên gọi là hàng nội địa Trung Quốc hoặc hàng Trung Quốc xuất khẩu châu Âu, thậm chí là giấu xuất xứ.
Thống kê cho thấy năm 2022, nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt giá trị kỷ lục ở mức 2,077 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2021. Trong 8 tháng đầu năm nay, dù kinh tế khó khăn nhưng giá trị trái cây nhập khẩu đạt hơn 1,271 tỉ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái; xét về khối lượng thì chắc chắn còn tăng nhiều hơn vì đơn giá nhập khẩu năm nay khá thấp.
Trái cây ngoại sẽ còn đổ bộ thêm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Francis Lee, Trưởng đại diện Hiệp hội Cherry Mỹ tại Việt Nam, cho hay năm nay cherry Mỹ được mùa, sản lượng gấp đôi năm ngoái và lượng hàng về Việt Nam ước tính cũng gấp đôi so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhờ công nghệ bảo quản mà cherry được vận chuyển bằng tàu biển, cước tàu rất thấp so với đường hàng không nên giá bán loại hàng này chỉ bằng khoảng một nửa năm ngoái.
"Sơ bộ có đến 20 container tàu biển, mỗi container khoảng 15 tấn đã về Việt Nam trong năm nay với chất lượng tốt và giá rẻ. Trước đây, cherry giá sỉ 400.000 đồng/kg thì nay chỉ hơn 200.000 đồng/kg. Hiện cũng đang vào mùa việt quất, loại quả này cũng có công nghệ bảo quản để vận chuyển hơn 20 ngày trên biển nên giá sẽ rẻ hơn trước khá nhiều" - ông Lee nói.
Ông Lee đồng thời cũng phụ trách các loại trái cây khác như táo, việt quất Mỹ tại thị trường Việt Nam và cho biết tại Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường xuất khẩu trái cây số 1 của Mỹ với sản lượng xuất khẩu tăng liên tục, trừ những năm mất mùa. Các nhà bán lẻ lớn như Big C, MM Mega Market… đều nhập khẩu trái cây trực tiếp và phân phối hàng về các điểm bán.
Mới đây, một số nhà nhập khẩu mở thêm kho tại TP Đà Nẵng, phát triển thêm thị trường các tỉnh miền Trung. "Hiện thuế nhập khẩu trái cây Mỹ vẫn còn mức từ 8%-15%. Trong tương lai, thuế nhập khẩu tiếp tục giảm, lượng hàng sẽ về nhiều hơn, nhất là khi kênh phân phối hiện đại của Việt Nam đang phát triển về các tỉnh chứ không chỉ tập trung ở TP HCM, Hà Nội" - ông Lee dự báo.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nói rằng trái cây ngoại có ưu điểm "lạ", mẫu mã đẹp nên người tiêu dùng muốn thử. Những năm gần đây, Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường nhập khẩu chính như: Trung Quốc, Úc, châu Âu, New Zealand, Hàn Quốc… nên thuế giảm còn 0% từ đó giá ngày càng rẻ.
"Phải thừa nhận một điều là tâm lý tiêu dùng sính hàng ngoại vẫn còn. Khi mua trái cây để tặng, biếu, cúng, người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn trái cây ngoại. Để không thua trên sân nhà, trái cây Việt cũng phải nâng mẫu mã, chất lượng, bao bì chứ không còn cách nào khác" - ông Nguyên nói.
Nhiều mặt hàng tăng đột biến
Báo cáo thị trường xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) về một số thị trường chủ lực và mặt hàng chủ lực trong tháng 6-2023 cho thấy có nhiều mặt hàng rau quả tăng đột biến.
Riêng thị trường Mỹ, trong tháng này, Việt Nam đã nhập 5,2 triệu USD cherry, tăng 190% so với tháng 5 và tăng 62% so với tháng 6 năm ngoái; hạt dẻ nhập 17,7 triệu USD, 90,5% so với tháng 6 năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc, chỉ trong tháng 6 Việt Nam đã nhập 9 triệu USD cà rốt, tăng 72,5% so với tháng 5 và tăng 27,5% so với tháng 6-2022; lê nhập 2,1 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Hàn Quốc, tháng 6 nhập 140.000 USD nho, tăng 780,2% so với tháng 5 và tăng 51,7% so với tháng 6-2022.