Sau phiên phục hồi cuối tuần trước, VN-Index tiếp tục lan tỏa sắc xanh tích cực khắp các nhóm ngành trong phiên giao dịch đầu tuần (29/1). Dòng tiền vận động sang các nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như Hóa chất, Phân bón, Xây dựng trong khi Ngân hàng và Bất động sản bị điều chỉnh.
Sáng nay, tỏa sáng nhất thị trường có nhóm ngành Sản xuất nhựa - hóa dẫn đầu và bứt phá khi hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt những cổ phiếu như GVR, DGC, DCM, DPM…
Thanh khoản mua chủ động trong phiên cũng ghi nhận gia tăng khá tốt, tuy nhiên gần cuối phiên sáng thanh khoản có sụt giảm và không giữ được động lực tốt như đầu phiên.
Đầu phiên chiều, dù xuất hiện chốt lời, diễn biến thị trường vẫn khá lạc quan khi duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, lực bán ngày càng gia tăng mạnh, gây sức ép cho thị trường, xóa sạch đà tăng, khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm.
Các mã có ghi nhận tăng điểm tốt ở phiên sáng không còn diễn biến tăng mạnh ở phiên chiều do áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. Giao dịch trên sàn HOSE khá trầm lắng trong những ngày cận Tết Nguyên Đán. Thanh khoản khớp lệnh vẫn ở mức thấp với 11,5 nghìn tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index may mắn không giảm “đỏ” mà tăng nhẹ 0,02 điểm, đóng cửa tại 1.175,7 điểm với 283 mã giảm ưu thế so với 187 mã tăng trên sàn HOSE. Nỗ lực nhất thị trường hôm nay có GVR (+4,9%), GAS (+1,86%) và CTG (+0,62%).
Nhóm cổ phiếu bluechip là nhân tố chính “níu chân” thị trường (chỉ số VN30 giảm 0,31%) với bộ ba Bank – Chứng – Thép đồng loạt điểm chỉnh giảm.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng (-0,32%) hôm nay chỉ có 7/27 mã xanh, tập trung vào các mã cổ phiếu không đủ tính dẫn dắt như OCB (+1,03%), LPB (+0,86%), HDB (+0,47%), MBB (+0,68%), STB (+0,17%)...
Trong khi đó, cổ phiếu trụ là VCB (-0,87%), BID (-0,51%) có tác động tiêu cực đến thị trường khi lấy đi hơn 1 điểm của chỉ số chung. Thanh khoản trong nhóm Ngân hàng vẫn đang duy trì yếu với hơn 2.400 tỷ đồng, giảm khoảng 22% so với mức trung bình tuần trước.
Nhóm ngành Chứng khoán (-0,51%) cũng chỉ có một số mã thoát hiểm thành công như TVS, ORS, FTS, BSI, nhưng mức tăng chưa tới 1%.
Nhóm ngành Thép – Tôn mạ ghi nhận điều chỉnh sâu ở HSG (-3%), NKG (-2,6%), HPG (-1,23%) bất chấp kết quả kinh doanh quý IV/2023 khả quan.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này đảo chiều bán ròng 138 tỷ đồng, phần lớn tại giao dịch thỏa thuận của PC1 (-142 tỷ đồng), bên cạnh VNM (-60 tỷ đồng), MSN (-34 tỷ đồng). Phía mua ròng, STB (+58 tỷ đồng), HSG (+40 tỷ đồng), KBC (+34 tỷ đồng) đạt giá trị cao nhất.
Theo Tạp chí tài chính