Tham vọng phát triển du lịch: Saudi Arabia nới lỏng lệnh cấm rượu bia

Với tham vọng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu toàn cầu, Saudi Arabia đang từng bước nới lỏng lệnh cấm rượu bia.

Vào tháng 2 năm nay, Chính phủ Saudi Arabia đã cho phép mở một cửa hàng rượu ở khu ngoại giao al-Sarafat của Riyadh dành cho nhân viên đại sứ quán không theo đạo Hồi.

Với tham vọng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu toàn cầu, Saudi Arabia đang từng bước nới lỏng lệnh cấm rượu bia.
Một nhân viên pha chế phục vụ đồ uống tại một quán bar tạm thời ở Riyadh cung cấp các loại cocktail không cồn. Saudi Arabia đã mở cửa hàng rượu đầu tiên trong năm nay. Ảnh: AFP

Trong khi đó, các khu nghỉ dưỡng trên đảo Biển Đỏ hiện đang xây dựng theo chương trình đa dạng hóa kinh tế Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia. Các nhà phân tích cho biết các khách sạn và nhà hàng ở những khu nghỉ dưỡng này có thể có giấy phép bán rượu, giống như các thị trấn nghỉ mát Sharm el-Sheikh và Hurghada nổi tiếng của Ai Cập.

Điển hình, khu nghỉ dưỡng St. Regis nằm trong siêu dự án du lịch do nhà phát triển Red Sea Global điều hành. Khu nghỉ dưỡng đã tổ chức buổi trình diễn thời trang vào tháng trước với màn trình diễn bikini bãi biển – một sự khác biệt đáng chú ý so với các quy tắc ăn mặc nghiêm ngặt của vương quốc này. Theo tục lệ từ lâu đời, phụ nữ Saudi Arabia thường mặc áo choàng abaya màu đen che khuyết điểm cho dù quy định về trang phục này đã được nới lỏng đối với du khách nước ngoài.

"Các trung tâm giải trí như Red Sea Global và dự án Qiddiya gần Riyadh có thể kết hợp mang đến sự tiện nghi rộng rãi nhằm phục vụ du khách quốc tế. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ được kiểm soát cẩn thận để đảm bảo phù hợp với các giá trị xã hội của Saudi", nhà bình luận chính trị người Ả Rập Saudi Salman al-Ansari cho biết.

Trước đây, Saudi Arabia chỉ cho phép những người hành hương Hồi giáo nước ngoài đến thăm thánh địa Mecca và Medina. Đến năm 2019, Saudi Arabia bắt đầu cấp thị thực du lịch và hiện công dân của 63 quốc gia có đủ điều kiện để đến thăm trong 90 ngày.

Du lịch nội địa đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi Saudi Arabia bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này theo kế hoạch Tầm nhìn 2030 được đưa ra vào năm 2016.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Kế hoạch ban hành hồi tháng 3, các hoạt động nghệ thuật và giải trí ở Saudi Arabia đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2022, trong khi chi tiêu cho ăn uống và chỗ ở tại đây cũng tăng 77%. Sự tăng trưởng này một phần được thúc đẩy bởi làn sóng các công ty và chuyên gia nước ngoài đầu tư vào Riyadh.

Phát triển du lịch Saudi Arabia

Nổi bật nhất trong số các dự án phát triển là thành phố tương lai Neom được quy hoạch trên bờ biển Vịnh Aqaba.

Với việc nối lại các cuộc hành hương thường xuyên, quy mô lớn đến thánh địa Mecca và Medina hàng năm sau đại dịch Covid-19, Saudi Arabia đã đạt được mục tiêu đón 100 triệu khách du lịch vào năm ngoái. Chính phủ nước này tiếp tục kỳ vọng đón 150 triệu lượt khách đến năm 2030.

Theo Bộ Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia, chi tiêu của khách du lịch trong nước đã tăng 319% trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2022. Tính đến năm ngoái, ngành du lịch đã đóng góp 6% cho nền kinh tế Saudi Arabia. Chính phủ nước này hiện kỳ vọng tăng tỷ lệ này lên 10% vào năm 2030.

Saudi Arabia hy vọng sẽ thu hút 40 triệu du khách khi đăng cai World Expo vào năm 2030. Trong khi đó, World Cup 2034 dự kiến cũng sẽ diễn ra ở Saudi Arabia vì đây là nhà thầu duy nhất.

Theo dự đoán từ công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank, Saudi Arabia sẽ xây dựng 320.000 phòng khách sạn mới vào năm 2030. 2/3 trong số khách sạn này dự kiến sẽ được xếp hạng 4 và 5 sao.

Để đạt được những mục tiêu du lịch đầy tham vọng như vậy, vào tháng 5/20224, Saudi Arabia và 5 đối tác của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã phê duyệt kế hoạch giới thiệu chương trình thị thực du lịch chung vào cuối năm nay – tương tự như thị thực Schengen của châu Âu.

Dù Saudi Arabia đã đạt được "những bước tiến đáng kể hướng tới tự do hóa xã hội" nhưng nhà bình luận chính trị người Ả Rập Saudi Salman al-Ansari nhận định quốc gia này khó có thể đi tới khả năng hợp pháp hóa việc tiêu thụ rượu bia - giống như cách Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã làm vào năm 2020.

Khẳng định chắc chắn là điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch cao cấp, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) dự kiến sẽ tiếp tục mở khu nghỉ dưỡng sòng bạc đầu tiên ở vùng Vịnh vào năm 2027.

Theo ông Al-Ansari, Saudi Arabia sẽ không thể làm theo UAE trong tương lai gần do "bối cảnh văn hóa và tôn giáo".

Tuy nhiên, ông cho biết Saudi Arabia đã có tín hiệu nới lỏng lệnh cấm bia rượu ở một số khu vực nhất định. Hay khuôn khổ pháp lý của dự án thành phố Neom cho thấy phạm vi "các chính sách tự do hơn" nhằm thu hút khách du lịch và doanh nghiệp quốc tế.

Một báo cáo do The Economist Intelligence Unit công bố vào tháng 2 năm nay đã đưa ra kết luận tương tự, mô tả việc mở cửa hàng rượu đầu tiên ở Riyadh chỉ mới là "một bước rất nhỏ" nhằm cung cấp đồ uống có cồn cho khách du lịch và người nước ngoài không theo đạo Hồi.

Theo báo cáo, với tham vọng Tầm nhìn 2030, Saudi Arabia có thể tiến tới việc nới lỏng thêm một số lệnh cấm, trong đó có cả nới lỏng luật về rượu ở quy mô rộng hơn trong tương lai./.