'Tả chiêu, hữu mục' là gì?

Nếu vào tham quan Đại Nội ở Huế, đến Thế Tổ Miếu, du khách sẽ được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu: “Các án thờ các vị vua nhà Nguyễn ở đây được xếp theo quy tắc ‘tả chiêu hữu mục’”. Nếu không được nghe hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ, ít người có thể hiểu được nguyên tắc này như thế nào.
Đền Lý Bát Đế (Đền Đô) Khu Phố Thượng, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đền Lý Bát Đế (Đền Đô) Khu Phố Thượng, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Tra cuốn Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh, mục từ “chiêu mục”, cũng chỉ được chú giải rằng: “Trong thái miếu nhà vua, những ngôi thờ bên tả là chiêu, thờ bên hữu là mục”, tuy nhiên nếu chỉ đọc cách giải thích này, thì độc giả vẫn cảm thấy chưa rõ “chiêu, mục” liên quan gì với nhau. Cuốn “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu cũng chỉ giải thích tương tự: “Hàng chiêu, trong nhà thờ giữa là bệ thờ tổ, ở bên trái là bệ thờ hàng chiêu”.

Chỉ có “Hán Việt từ điển trích dẫn” giải thích rõ ràng hơn: “Chiêu (danh từ), tức hàng ‘chiêu’. Trong nhà thờ giữa là bệ thờ tổ, các đời thứ hai, tư và sáu thờ bên trái, gọi là hàng ‘chiêu’, các đời thứ ba, năm và bảy thờ bên phải gọi là hàng ‘mục’”.

Quy tắc này được viết từ sách “Chu Lễ” từ thời thượng cổ bên Trung Quốc: “Tiên vương chi táng cư trung, dĩ chiêu mục vi tả hữu”, nghĩa là khi an táng các vị vua qua đời, thì lấy chiêu, mục mà xếp lần lượt hai bên. Thứ tự tế tự, cách xếp bài vị, án thờ trong tông miếu các triều đại phong kiến cũng vậy, ở giữa là vị trí thủy tổ; sau một đời, tức hàng con là “chiêu”; hàng cháu là “mục”; hàng chắt là “chiêu”; hàng chút lại là “mục”. Cứ lần lượt như vậy, càng nhiều đời càng xa vị trí trung tâm, cứ đời lẻ thì xếp bên trái, đời chẵn ở bên phải bài vị hay mộ của thủy tổ. Nếu có hai bài vị trí tương ứng hai bên, thì bài vị ở hàng bên trái sẽ là của nhân vật xếp trên người ở hàng bên phải một đời.

Thứ tự này được thể hiện rõ trong cách sắp xếp án thờ các vị vua triều Nguyễn, triều đại phong kiến gần đây nhất, tại Thế Tổ miếu (hay còn gọi là Thế miếu) ở cố đô Huế. Thủy tổ của các chúa Nguyễn là chúa Nguyễn Kim được thờ ở Triệu Tổ miếu, các chúa Nguyễn được thờ tại Thái Tổ miếu, và cha của vua Gia Long là Nguyễn Phúc Luân được thờ tại Hưng Tổ miếu, nên ở Thế miếu, chỉ thờ các vua nhà Nguyễn, từ vua Gia Long (miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ) trở đi.

Triều Nguyễn có 13 đời vua, tuy nhiên theo quan niệm thời xưa, các vua bị phế ngôi, truất ngôi không được thờ ở tông miếu, nên từ năm 1958 về trước, trong Thế miếu chỉ đặt án thờ 7 vị vua tại vị cho đến khi qua đời mà thôi.

Vị trí đặt các án thờ ban đầu tuân thủ chặt chẽ quy tắc “tả chiêu hữu mục”, trong đó, án thờ vua Gia Long (cùng 2 hoàng hậu) ở chính giữa Thế Miếu. Bên gian thứ nhất bên trái là án thờ vua Minh Mạng, con trai vua Gia Long. Án thờ thứ nhất bên phải thờ vua Thiệu Trị, con trai vua Minh Mạng. Án thứ hai bên trái thờ vua Tự Đức, con trai vua Thiệu Trị. Án thứ hai bên phải thờ vua Kiến Phúc, vua thứ 7, là con (nuôi) vua Tự Đức, vì hai vua trước Kiến Phúc là Hiệp Hòa, Dục Đức đều bị giết hoặc phế truất nên không được thờ tự.

Đến án thờ thứ ba bên trái Thế miếu thì quy tắc “chiêu mục” bắt đầu hơi bị xô lệch một chút, đó là án thờ vua Đồng Khánh, dù Đồng Khánh là anh ruột vua Kiến Phúc nhưng lại làm vua sau (thứ 9). Đến án thờ cuối cùng tại Thế miếu, tức án tại gian thứ ba bên phải, quy tắc “chiêu mục” lại được trở lại, vì đó là án thờ vua Khải Định, ông cũng là con trai vua Đồng Khánh, dù trước khi ông lên ngôi, còn có các vua Thành Thái, Duy Tân (đều là “xuất đế”, bị Pháp bắt đi đày).

Đến năm 1958, hội đồng Nguyễn Phước Tộc đã quyết định đưa bài vị ba vị vua chống Pháp là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân vào thờ ở Thế miếu. Án thờ đặt bài vị các vua này lần lượt được xếp ở hai bên miếu nên không tuân theo quy tắc “chiêu mục” nữa, trong đó vua Hàm Nghi thờ ở gian thứ tư bên trái, vua Duy Tân ở gian thứ tư bên phải và vua Thành Thái ở gian thứ năm bên trái. Hiện nay, các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Bảo Đại không được thờ ở Thế miếu.

Tại đền Lý Bát Đế, nơi thờ 8 vị vua triều Lý (không có Lý Chiêu Hoàng) ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, bố trí hơi khác một chút, khi ở chính giữa thờ hai vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông. Còn lần lượt hai bên đều sắp xếp theo đúng quy tắc “chiêu, mục”: Hàng “chiêu” bên trái lần lượt đặt ngai thờ và tượng các vua Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông, Lý Cao Tông; hàng “mục” bên phải lần lượt thờ các vua Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông, xen kẽ nhau rất cân đối.

Theo sử sách, thời Trần có xây Thái miếu ở Thăng Long và Tức Mặc, tuy nhiên qua biến thiên lịch sử, các Thái miếu này không còn. Gần đây, năm 2018, hậu duệ họ Trần cùng chính quyền huyện Đông Triều, Quảng Ninh đã khôi phục Thái miếu ở xã An Sinh. Trong miếu, thờ 12 đời vua nhà Trần, gồm cả hai vua bị mất ngôi là Trần Phế Đế và Trần Thiếu Đế, cùng hai vua nhà Hậu Trần lãnh đạo kháng chiến chống quân Minh là Giản Định đế và Trùng Quang đế.

Tại Thái miếu nhà Trần, chính giữa thờ Thái Tổ Trần Thừa, là cha của vua đầu tiên (Trần Thái Tông) và được tôn là Thượng hoàng, thực sự điều hành mọi vấn đề của đất nước khi vua con còn nhỏ. Các vị trí hai bên tuân thủ quy tắc “chiêu, mục”, lần lượt đan xen trái, phải là các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông…

Thái miếu nhà Hậu Lê ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa ngày nay, vốn trước ở kinh đô Thăng Long nhưng bị vua Gia Long bắt di dời về sau khi ông lập nên nhà Nguyễn. Trong Thái miếu này thờ bài vị của 27 vị vua Lê, trong đó có 21 vua tại vị và 6 vua được truy phong suốt quá trình lịch sử từ năm 1418 - 1789. Bài vị các vua cũng được xếp theo quy tắc “chiêu, mục”.

Các chữ “Chiêu”, “Mục” cũng được đặt tên cho lăng của các vua, như lăng Trần Thái Tổ gọi là Thọ Lăng, thì lăng Trần Thái Tông là Chiêu Lăng. Lăng vua thứ 5 nhà Trần là Trần Minh Tông được đặt là Mục Lăng

Thời Lê, lăng Lê Thái Tổ được đặt là Vĩnh Lăng, lăng Lê Thái Tông là Hựu Lăng; lăng vua Lê Nhân Tông là Mục Lăng và lăng vua Lê Thánh Tông là Chiêu Lăng.

Theo giaoducthoidai.vn