Nhà hát Tuổi trẻ chính thức ra mắt công chúng vở kịch “Hedda Gabler”

Ngày 29/9 tới , Nhà hát Tuổi trẻ sẽ chính thức ra mắt công chúng yêu nghệ thuật vở kịch “Hedda Gabler” – tác phẩm được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Henrik Ibsen.

Được dàn dựng bởi đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama, với sự tham gia của các diễn viên tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ với hai kíp diễn như: Lương Thu Trang, Hương Thủy, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Chí Huy, Duy Anh, Lệ Quyên, Anh Thơ, Anh Tú, Mạnh Đạt, Thanh Tú.

Vở diễn là kết quả hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Hedda Gabler nhân vật chính của câu chuyện kết hôn với một học giả tên là Jørgen Tesman, nhưng cô vẫn tiếp tục sử dụng tên thời con gái của mình. Họ vừa trở về sau tuần trăng mật dài ngày.

Nhập chú thích ảnh

Vở kịch làm sáng tỏ những vấn đề chung của phụ nữ trong một xã hội do nam giới xây dựng. Hedda phải từ bỏ sự sắp đặt của cuộc sống đời thường… trong khi bản thân cô luôn mong muốn vượt qua nó với những vấn đề không dễ dàng giải quyết. Vì vậy “Hedda Gabler” trở thành một vở kịch xuất sắc lay động trái tim khán giả nhiều thập niên, các nhà hát danh tiếng trên thế giới đều muốn dàn dựng vở diễn này. Không chỉ được ghi nhận như một tác phẩm sân khấu kinh điển mà sức hút xuyên thời gian của Hedda Gabler còn thể hiện ở những giá trị chân chính, mẫu mực có thể tìm thấy trong bất kỳ thời đại nào, dù chuyện kịch chỉ xoay quanh đề tài về hôn nhân gia đình. Sự yêu thương, sự trăn trở, sự cay đắng và cả sự trống rỗng trong tâm hồn con người vào những thời điểm cam go trong đời sống hôn nhân. Nhân vật chính của của vở kịch, mặc dù mong muốn vượt ra khỏi những rào cản mặc định nhưng cô không thể và rơi vào bế tắc.

Đến một quãng nào đó trong cuộc đời, hầu hết con người ta đều trải qua dư âm của dĩ vãng ngày nào và trong đó có thể những điều ấp ủ nào đó đã không trở thành hiện thực, như một đứa con mà không bao giờ được sinh ra vậy… làm thế nào để cuộc sống tươi đẹp trở lại? Cùng với những khát khao cháy bỏng của tương lai mà bên cạnh luôn tiềm ẩn những điều ngược lại.

Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong văn chương hay trong tâm hồn của mỗi nhân vật và lắng nghe những gì họ đã trải qua để thấy cuộc sống cần thật nhiều những lối thoát để rồi bạn sẽ cùng cảm thông với nàng Hedda Gabler hay sẽ là một sự trách móc? Nàng sẽ đi đâu và nàng là ai trong đời sống đương đại của ngày hôm nay?

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama - một người Nhật Bản nhiều kinh nghiệm và trăn trở đã dành tâm huyết của mình cho nàng Hedda, bởi anh hiểu rằng sau thành công của “Cậu Vanya” anh cần phải làm tốt hơn nữa để chinh phục khán giả Việt Nam và những người nước ngoài đang sống tại Hà Nội cho một tác phẩm có quy chuẩn, vóc dáng quốc tế.

Vở diễn được đầu tư một cách bài bản từ thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, âm nhạc, ánh sáng … trong đêm diễn các nghệ sĩ biểu diễn sẽ không sử dụng micro như thông thường, khán giả có thể thấy hết chất giọng và nội lực của các diễn viên, khán giả nước ngoài có thể hiểu được nội dung vở kịch qua phần phụ đề tiếng Anh đã được biên tập kĩ lưỡng.