Một bộ phim có số phận kỳ lạ
“Đào, phở và piano” được ví là cú bẻ lái chưa từng có ở phòng vé Tết Nguyên đán năm nay. Nhờ được một Tiktoker review, phim bất ngờ được chú ý, gây sốt vé tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
“Đào, phở và piano” ra rạp theo một công thức kỳ lạ, phá vỡ mọi quy tắc phát hành thường thấy. Thậm chí, đi ngược lại tất cả những chiến lược cần có khi ra rạp của một tác phẩm điện ảnh.
Nếu như các dự án phim hiện nay có kế hoạch, chiến lược bài bản trong việc tung hình ảnh, poster, teaser, trailer (các đoạn giới thiệu về nội dung phim) trước cả năm trời để “dọn đường” cho phim ra rạp, “Đào, phở và piano” lặng lẽ xuất hiện ở một rạp duy nhất và đến 10 ngày sau khi ra rạp, mới đột ngột tung trailer.
Khi các đoàn phim tổ chức rầm rộ cinetour - tức là đưa dàn diễn viên đến rạp xem phim cùng khán giả để giao lưu, quảng bá rầm rộ từ những suất chiếu sớm - thì đến chiều qua (21.2) sau 12 ngày ra rạp, khán giả mới bất ngờ thấy Doãn Quốc Đam, Thùy Linh của “Đào, phở và piano” đến rạp giao lưu.
Nếu không bất ngờ gây chú ý, “Đào, phở và piano” sẽ như bao bộ phim nhà nước đặt hàng khác, có thể kể tên như Hồng Hà nữ sĩ, Sống cùng lịch sử, Ký ức Điện Biên... Tất thảy đều lặng lẽ ra rạp, rồi lặng lẽ xếp kho, dù được dành chi phí sản xuất khoảng hơn 20 tỉ đồng (gần 1 triệu USD).
Gọi "cơn sốt" phim "Đào, phở và piano” cũng có phần quá lời, khi phim chỉ chiếu ở một rạp duy nhất với phòng vé nhỏ và suất chiếu không cao. Chỉ khi phim phát hành toàn quốc và ở phòng vé nào khán giả cũng phải xếp hàng, khi ấy mới được gọi là “cơn sốt”.
Tuy nhiên, nếu so với những dự án đặt hàng lặng lẽ khác, “Đào, phở và piano” đã có thể gọi là một cơn sốt kỳ lạ, một hiện tượng của dòng phim nhà nước.
Từ cách đây 10 năm, bộ phim “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng được đầu tư 21 tỉ đồng nhưng không bán nổi 1 vé trong một suất chiếu. Năm 2021, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân tiếp tục với dự án phim chiến tranh “Bình minh đỏ” nhưng hoàn toàn chìm nghỉm.
“Đào, phở và piano” với cách thức phát hành đi ngược lại với xu hướng thời đại, nhưng lại làm nên một hiện tượng kỳ lạ ở dòng phim nhà nước đặt hàng.
Đã đến lúc điện ảnh phải bứt phá khỏi những lỗi thời, lạc hậu
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng gọi những dự án đặt hàng triệu USD (trên dưới 20 tỉ đồng) chỉ lặng lẽ chiếu kỷ niệm vài ngày rồi xếp kho là một sự thất thoát tiền của nhà nước.
Khi bàn về việc sản xuất phim lịch sử, phim chiến tranh phải sinh lời, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy làm phim, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa văn hóa, công nghiệp hóa điện ảnh.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn gọi những dự án phim không bán được vé là “sự lãng phí”.
Xưa nay, khi phim không bán được vé, các đạo diễn làm phim đặt hàng vẫn cho rằng, đề tài - thể loại phim chiến tranh, phim lịch sử kén khán giả. “Đào, phở và piano” đã cho thấy điều ngược lại.
Điện ảnh thế giới đã có rất nhiều phim chiến tranh, lịch sử lọt top doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Điều cần nhất để có những bộ phim lịch sử, phim chiến tranh doanh thu cao là một chiến lược bài bản từ sản xuất đến phát hành.
Tiến trình công nghiệp hóa điện ảnh hơn bao giờ hết đang cần đến sự chung tay của cả nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp liên ngành, để đầu tư cho điện ảnh có những cuộc thay đổi mang tính cách mạng, bứt phá khỏi những công thức làm phim đã lỗi thời, lạc hậu.
Theo Lao động