Giá heo hơi tiếp tục giảm mạnh, giải pháp nào để bù lỗ cho người chăn nuôi?

Giá heo hơi trong nước đang trở nên khó tiêu thụ và ở mức thấp so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan,...chính vì thế nới lỏng xuất khẩu thịt heo là biện pháp cần thiết giúp người chăn nuôi không bị lỗ nặng.

Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 9/2022, giá heo hơi trên cả nước dao động trong khoảng 54.000-69.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cuối tháng 8/2022. Trong những ngày gần đây, giá heo hơi tiếp tục giảm mạnh. Ngày 17/10, giá chỉ dao động quanh mức 50.000 – 61.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận, giá heo hơi hiện nay đã giảm mạnh khoảng 15.000 đồng/kg so với cách đây 3 tháng. Chi phí đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm nên đã gây áp lực lớn cho họ. Số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy đàn heo cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 9/2022 là 24,73 triệu con, tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 9 tháng ước đạt 3,2 triệu tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại giảm sút đã gây nên tình trạng mất cân đối cung cầu, dẫn đến giá giảm.

Bên cạnh đó, do giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, tỷ lệ đàn hao hụt do dịch bệnh vẫn lớn nên giá thành nuôi heo hiện bị đẩy lên khá cao. Với các hộ nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, lo thua lỗ nên hầu như không mặn mà tái đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

facetoface.vn
Giá heo trong nước giảm khiến người nuôi heo lỗ nặng.

Theo Báo Thanh niên, trang trại heo của gia đình anh Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom, Đồng Nai) nuôi cả heo nái và heo thịt. Từ đầu năm 2022, giá cám liên tục tăng mạnh khiến anh Vĩnh đứng ngồi không yên. Anh cho hay: “Hồi đầu năm, giá heo hơi xuống còn 45.000 đồng/kg, hiện đang dao động ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi cám cho heo giá 350.000 đồng/bao. Mỗi con heo hơi phải nuôi khoảng 6 tháng, bán ra với giá 5,7 - 6 triệu đồng/con, tốn khoảng 5,2 triệu đồng tiền cám, chưa kể chi phí thuê nhân công. Như vậy tính ra là lỗ luôn”.

Nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, bà Phạm Thị Thúy, chủ cơ sở chăn nuôi heo tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho hay: "Nuôi heo bây giờ rất khó lời, nếu không muốn nói là nản. Trước thì giá thức ăn chăn nuôi tăng, giờ chưa kịp ổn thì heo hơi rớt giá. Heo 105 - 115kg/con là chuẩn loại 1 mới có giá bán 60.000 đồng/kg. Heo 60 - 70 - 80 kg/con hay heo quá mỡ thì chỉ 50.000 đồng/kg.

Đó là chưa kể bây giờ thêm cạnh tranh thịt ngoại nhập. Từ siêu thị, nhà hàng, quán ăn bình dân… ở đâu cũng chọn thịt nhập. Nên thời điểm này kể cả người buôn lẫn người chăn nuôi kiếm lời chua lắm".

Hiện, Việt Nam chưa có cơ sở, vùng chăn nuôi heo đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Các trang trại lớn, khép kín nằm xen kẽ với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Do đó, việc kiểm soát tuyệt đối rủi ro dịch bệnh rất khó và giấc mơ xuất khẩu thịt heo càng trở nên xa vời.

Còn theo đại diện CTCP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, thời gian qua cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng bộ tiêu chuẩn về chăn nuôi nhưng cần xem những điều điều kiện này đã thực sự bám sát thực tế, đặc biệt là khoảng cách giữa các trại. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ nằm ở tiêu chuẩn mà còn khâu kiểm tra chặt và liên tục.

Nới lỏng xuất khẩu thịt heo

Ở thời điểm hiện tại, khi giá heo tăng mạnh, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, siết chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, sau đó giá heo hơi giảm mạnh.

Về lo ngại nếu cho xuất khẩu dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu hụt có thể đẩy giá heo hơi tăng mạnh, từ đó tác động tới chỉ số lạm phát, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá heo hơi thấp thế này chứng tỏ cung vượt cầu, nếu ở trên giá thành sản xuất thì lúc đó mới thiếu nguồn cung. Do vậy, Nhà nước cần cân đối tỷ lệ heo hơi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ trong nước, làm sao để giá heo hơi bán ra trên giá thành.

Với “bài toán” xuất khẩu chính ngạch, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu chính ngạch với sản phẩm thịt heo còn rất khó khăn, nhưng trước mắt xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi heo.

Về cơ hội khi được xuất khẩu heo hơi trở lại, giá heo hơi bình quân của Trung Quốc hiện 90.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam 30.000 đồng/kg; giá heo hơi Thái Lan là 80.000 đồng/kg. Xuất khẩu heo sang Thái Lan hơi khó vì nước này siết chặt nhập khẩu, nhưng với thị trường Trung Quốc, nhu cầu là rất lớn.

Ông Lê Xuân Huy - phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam - cho biết lượng heo thịt được đơn vị xuất chuồng hiện đạt trên dưới 13.000 con/ngày, giảm khoảng 5.000 - 6.000 con so với lúc cao điểm trước đó.

Theo ông Huy, mức giảm này kéo dài 1-2 tháng nay và khả năng sức mua chưa khả quan trong thời gian tới. Sức tiêu thụ trên thị trường thấp khiến giá heo hơi đơn vị xuất bán cũng đang ở mức thấp với loại 1 khoảng 60.000 đồng/kg (chiếm dưới 30%) và loại khác bình quân 56.000 - 57.000 đồng/kg (chiếm hơn 60%).

"Giá heo có thể sẽ còn duy trì ở mức thấp, thậm chí còn xuống nữa, vì nguồn cung đang ổn định mà nhu cầu lại thấp. Trường hợp giá heo tăng lại thì chỉ kỳ vọng vào nhu cầu tiêu thụ nhiều dịp cuối năm, đặc biệt sử dụng thịt heo để chế biến thực phẩm", ông Huy nhận định.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan, cũng cho biết: “Giá heo hơi hiện nay đang quá thấp, dự báo đến cuối năm giá thịt heo nếu tăng thì cũng chỉ đến mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá này thì người chăn nuôi thiệt thòi lớn”.

Tuy nhiên, đại diện công ty giết mổ chế biến heo này cũng băn khoăn trước đề xuất được “mở cửa” tiêu thụ thịt heo qua biên giới bởi lo ngại nhu cầu hàng tết sẽ tăng. Do giá thức ăn tăng, bên cạnh đó là thị trường Trung Quốc nhu cầu cao… nên cuối năm giá thịt heo, theo vị đại diện này dự báo, sẽ không dưới 60.000 đồng/kg và có thể lên tới 70.000 đồng. “Việc quan trọng là hiện nay kiểm soát dịch bệnh rất hiệu quả, heo chính ngạch rất khó xuất mà xuất biên mậu thì nguy cơ lây dịch bệnh rất cao”, vị này nói.

Trước đó, vào tháng 7/2022, trước diễn biến giá thịt heo tăng cao, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo các bộ ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo để thực hiện các biện pháp bình ổn giá, không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Ngay sau đó, các địa phương đã triển khai kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới, cụ thể các tỉnh phía bắc đã kiểm soát chặt đường mòn lối mở để hạn chế giao dịch heo hơi qua biên giới. Tương tự, các tỉnh khác như Kon Tum, Bình Phước cũng tăng cường ngăn chặn việc xuất khẩu heo qua cửa khẩu Lào, Campuchia...