Tiếp tục kỳ họp thứ tư, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Tại tổ Hà Nội, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu băn khoăn về giá khởi điểm của 1 biển số ô tô đưa ra đấu giá, vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.
Ông Thanh cho rằng, “Dự thảo để mức giá 40 triệu, 20 triệu thì sẽ loạn cào cào”. Theo ông Thanh thì dự thảo nghị quyết chỉ quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao HĐND các tỉnh, thành quyết định mức giá khởi điểm, bước giá.
Ở Hà Nội mức giá khởi điểm 40 triệu, bước giá 5 triệu đồng thì đấu giá mấy ngày mới đến giá thật. “Hà Nội bước giá phải 20, 40, 50 triệu thì đấu giá mới nhanh, có khi 10 phút xong”, ông Thanh góp ý.
Với tiền thu được từ đấu giá, theo đề xuất của Chính phủ là nộp hết về ngân sách Trung ương, nhưng Chủ tịch Hà Nội đề nghị đưa về ngân sách địa phương.
Tại tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM, đạ biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị lưu ý xử lý những khúc mắc có thể phát sinh khi triển khai thực hiện trên thực tế. Chẳng hạn, cũng nên quy định 1 người có quyền sử dụng bao nhiêu biển số “đẹp”.
“Sẽ có hiện tượng đầu cơ. Họ trúng giá 200 triệu đồng, bán lại 2 tỷ đồng, đánh thuế thế nào?”, vị đại biểu TP.HCM băn khoăn.
Ngoài ra, quan niệm thế nào là biển số “đẹp” để được chọn đem ra đấu giá là cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng: “Một biển số có thể là rất có ý nghĩa với người này, nhưng lại không hẳn là “đẹp” với người kia.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số ô tô theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương.
Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.
“Bây giờ đấu giá biển số đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp. Khi chạy xe, chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn.
Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý ô tô và phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định bán đấu giá trên địa bàn cả nước như thế này”, bà Thủy băn khoăn.
Vẫn đề nữa khiến bà Thủy rất băn khoăn khi dự thảo quy định theo hướng “người được trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình”.
Mục tiêu của biển số xe là để quản lý phương tiện mà bây giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia.Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý, nhất là khi chúng ta đang thực hiện thí điểm vấn đề này, bà Thủy nói.
Từ phân tích trên, bà Thủy đề nghị, “biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện” khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế phương tiện đó. Khi nào hết vòng đời phương tiện thì biển số xe được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.
Tiếp tục phát biểu, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, “thí điểm đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính”.
Ông Thanh lo ngại, nếu đấu giá tập trung trên phạm vi cả nước thì có thể toàn bộ người dân phía Bắc sẽ đấu giá biển số xe Hà Nội và như thế sẽ không quản lý được.
Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng “Không nên xáo trộn. Quản lý phương tiện cá nhân là bài toán cực kỳ nan giải của đại đô thị, nếu phá vỡ mà chưa có tổng kết, đánh giá thì cũng rất nguy hiểm. Cho nên, tôi nghĩ vẫn giữ theo truyền thống gắn phương tiện xe và biển số xe.
Sáng 7/11 Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Đồng tình với việc khai thác kho số nhằm “ích nước, lợi nhà”, song đại biểu Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng việc trình Quốc hội quyết vấn đề thí điểm đấu giá biển số ô tô có gì đó chưa xứng tầm vì còn nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đang nóng cần tập trung giải quyết, nên chăng giao lại cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ tiến hành, Quốc hội thực hiện giám sát.
Ông Hồi cũng đề nghị dự thảo nghị quyết có một điều quy định về nguồn thu từ đấu giá đưa vào đâu, ai giữ, dùng vào việc gì để sau này Quốc hội còn biết, giám sát.