Tờ Thanh Niên có bài “‘Soi’ các mặt hàng neo giá”. Tác giả bài báo viết, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm. Theo đó, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ bị “soi” việc neo giá khi xăng giảm có hợp lý hay không.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Công điện số 4436 gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Thủ trưởng Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Công điện nêu trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Do đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT trong cả nước tăng cường công tác giám sát, xây dựng kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 30/7: “Soi” các mặt hàng neo giá |
Cũng trên Báo Thanh Niên, sáng nay trong chủ đề năng lượng bài viết “‘Cuộc cách mạng’ giảm điện than thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.
Nội dung bài báo đăng, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm mạnh nhiệt điện than, đến hơn 14 GW với 11 dự án nhà máy. Đây được xem là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực điện và môi trường của Việt Nam.
Tác giả bài báo cũng trích lời TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia ngành điện, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường (Bộ Công Thương), phân tích: Nhiệt điện than vốn được xem như xương sống của nền kinh tế. Việc điều chỉnh giảm mạnh điện than này giống như chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng. Tinh thần phát triển năng lượng như vậy là quá tốt.
“Đối thoại thường niên an ninh năng lượng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 4” là nội dung bài đăng trên Báo điện tử VOV.
Theo đó, tác giả Phạm Huân/VOV-Washington đưa tin, Đối thoại thường niên an ninh năng lượng Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 4 diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ), trong hai ngày 27-28/7. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An làm trưởng đoàn.
Tại đối thoại, đại diện hai bên đã trình bày các vấn đề then chốt trong hợp tác năng lượng song phương bao gồm: sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, truyền tải và lưu trữ năng lượng, vai trò của khí tự nhiên hóa lỏng và các bước cần thiết để chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Hai bên cũng thảo luận chi tiết về tương lai của các công nghệ năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, hydrogen, pin lưu trữ và điện hạt nhân.
Chủ đề xuất nhập khẩu cũng được nhiều tờ báo đăng tải. Trong đó có Báo điện tử Bnews của Thông tấn xã Việt Nam với bài viết “Doanh nghiệp gạo Việt Nam rộng cửa xuất khẩu”.
Nội dung bài báo đăng, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do; trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Việc này giúp gạo Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới, nhờ đó doanh nghiệp đang được hưởng lợi trong sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 15/6/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, gạo là một trong 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt từ 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm trước.
“Theo Bộ Công Thương nhận định, bước sang năm 2022, triển vọng cho ngành nhựa rất thuận lợi nhờ việc Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây (như CPTPP, EVFTA, RCEP) giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA mà cả các nước khác để đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội của FTA” - là nội dung bài "Ngành nhựa biến thách thức thành cơ hội sau đại dịch" đăng trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy).
Theo đó, ngành nhựa được dự báo sẽ duy trì nhịp tăng trưởng cao tới 15%/năm, các doanh nghiệp trong ngành này đã đề ra những chiến lược kinh doanh bền vững để đón bắt cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cùng với xu hướng phát triển của ngành nhựa nói chung, ngành sản xuất nhựa xây dựng tại Việt Nam cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Bộ Công Thương cũng chỉ rõ các yếu tố thúc đẩy sự phát triển như: Thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn phục hồi; Kích thước cồng kềnh của các sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng khiến vận chuyển khó khăn do đó sản phẩm nhập ngoại kém cạnh tranh; Thị hiếu tiêu dùng đặc trưng là những lợi thế giúp các công ty sản xuất nhựa vật liệu xây dựng không chịu nhiều cạnh tranh từ các công ty nước ngoài.
Theo congthuong.vn