Chân dung ông chủ "bí ẩn" của thương hiệu đồng hồ Việt Nam đầu tiên Gimiko: 30 tuổi là triệu phú, "trắng tay" chỉ trong 1 ngày, tới 50 tuổi tự xây dựng "đế chế" mới

Tay trắng lập nghiệp, gây dựng cơ đồ, trở thành triệu phú tuổi 30 rồi lại trắng tay, trải qua những lần thất bại, ông chủ của Gimiko chưa bao giờ biết "đầu hàng" số phận.

Ra đời từ những năm 1990, đồng hồ Gimiko được biết đến là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam. Phiên bản đầu tiên của đồng hồ Gimiko xuất hiện trên thị trường là loại đồng hồ treo tường, máy đồng hồ nhập từ nước ngoài nên có chất lượng tốt, vỏ đồng hồ ban đầu được làm bằng gỗ mít, thuê thợ ở Lái Thiêu gia công. Thời điểm ấy, công nghệ tẩm sấy chưa có, đồng hồ gỗ mít sau khi xuất khẩu đi nước ngoài hầu hết đều bị ảnh hưởng thời tiết bị co rút, cong vênh. Sau đó, đồng hồ Gimiko được chuyển sang vỏ nhựa lấy từ nhựa phế liệu các loại (vỏ tivi, tủ lạnh,...), mang về ép lại rồi sơn mới.

Ông chủ của thương hiệu đồng hồ Gimiko là ông Lê Trung Hiếu (sinh năm 1938). Là anh cả trong một gia đình 7 anh em, tất cả các thành viên đều trông đợi vào thu nhập khâu vá giày của bố, Trung Hiếu đã xin nhà trường miễn học phí, đồng thời đi làm công phụ giúp gia đình. Vượt khó vươn lên, Trung Hiếu thậm chí còn đi học thêm Anh văn. 

17 tuổi, Trung Hiếu học thêm nghề sửa đồng hồ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Vốn sẵn thông minh, ham thích việc tỉ mỉ, chính xác, chỉ trong 3 tháng Trung Hiếu đã "lành nghề" trong khi người khác phải học đến 3 năm. Sau này, ông đã từng tiết lộ: "Dù là nghề gì, muốn học cho giỏi, trước hết phải biết quan sát, xem người thầy cầm dụng cụ có hợp lý chưa, kế đến là xác định các thao tác đưa ra nhằm mục đích gì. Thứ ba phải sử dụng dụng cụ thật nhuần nhuyễn. Cuối cùng, cải tiến cho tinh gọn những gì đã quan sát".

Học hành giỏi giang, nhanh nhạy là vậy nhưng Trung Hiếu vẫn chưa gặt hái được bất kì thành quả nào trong công việc sửa đồng hồ. Trung Hiếu còn cảm thấy vô cùng tự ái khi bố thẳng thắn chê “chẳng thấy con làm nên trò trống chi”. Chàng trai trẻ khi ấy đã bỏ nhà ra đi và quả quyết với bạn bè “sẽ trở về với sự nghiệp trong tay”. Rời nhà, Trung Hiếu làm việc cho hãng RMK (Mỹ) rồi đi dạy Anh văn nhưng vẫn chưa thể làm giàu.

Vì cảm thấy sự cạnh tranh ở Sài Gòn khá lớn nên Trung Hiếu đã di chuyển tới miền Trung. Ông nhận ra những mặt hàng nhu yếu phẩm ở đây được tiêu thụ rất mạnh nhưng khâu phân phối không thông suốt nên thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá. Do đó, ông "chớp" ngay cơ hội, đứng vào khâu phân phối, mua đi bán lại hàng hóa, lấy của người có bán cho người cần và hưởng lãi chênh lệch. Bắt đúng mạch thị trường, chỉ vài năm sau, ở tuổi 26, ông đã có xe hơi riêng, nắm trong tay bạc triệu, nổi danh khắp Trung Bộ. 30 tuổi, ông trở thành một trong những người giàu nhất giới doanh nhân Việt Nam lúc bấy giờ.

Là người nhạy cảm, vị đại gia trẻ cảm nhận được thị trường miền Trung đang đến độ bão hòa. Vì thế, năm 1969, Hiếu trở về Sài Gòn. Ông nhanh chóng quan sát thấy rất nhiều người đi sắm vải ở con đường Tạ Thu Thâu nối đường Nguyễn Trung Trực qua chợ Bến Thành. Mạnh dạn thuê nhà ở Tạ Thu Thâu để kinh doanh vải ngoại nhập và nội địa các loại, chuyện mua bán của ông ngày càng phát đạt. Tuy nhiên, khi một cửa hàng làm ăn tốt, nhiều cửa hàng mở ra, con đường Tạ Thu Thâu tấp nập kẻ mua người bán, Hiếu lại thấy lợi nhuận không còn hấp dẫn như trước. Ông từ bỏ việc kinh doanh vải.

Ông chuyển sang thành lập Công ty Thực phẩm Hà Tiên (Hatico), kinh doanh xuất nhập khẩu thủy hải sản sang Nhật. Lần lập nghiệp thứ 3 này, môi trường kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp không bắt kịp với những thay đổi thời cuộc, lần đầu tiên, ông Hiếu gặp cảnh doanh nghiệp của mình phá sản. "Trắng tay" nhưng không nản chí, tin vào sức trẻ của mình, ông Hiếu mở một hiệu sửa chữa đồng hồ nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, kiếm sống qua ngày.

Năm 1978, biến cố gia đình ập đến, ông rời bỏ thành phố, về vùng kinh tế mới tại sông Bé, tiếp tục làm lại từ đầu. Tại đây, ông làm công cho một anh thợ sửa đồng hồ khác. Làm việc trong một thời gian ngắn, ông tích cóp được một khoản tiền dành để mua đồ nghề và tách riêng.

Chân dung ông chủ bí ẩn của thương hiệu đồng hồ Việt Nam đầu tiên Gimiko: 30 tuổi là triệu phú, trắng tay chỉ trong 1 ngày, tới 50 tuổi tự xây dựng đế chế mới - Ảnh 2.

Tranh: Hoàng Tường.

Cuộc sống ở vùng kinh tế mới, nơi ông Hiếu ở gần một doanh trại bộ đội, hầu như các chiến sĩ đều đeo đồng hồ Liên Xô và đều trở thành khách hàng quen thuộc của ông Hiếu. Tay nghề của ông chủ "bắt bệnh" nhanh, chính xác, từng động tác tháo ráp, gắp vít, chấm dầu đều gọn, dứt khoát, không thừa đều vang xa khắp vùng. 

Năm 1982, ông được một công ty quốc doanh chuyên sản xuất đồng hồ ở quận 1, Sài Gòn mời về phụ trách kỹ thuật, lắp ráp đồng hồ. Năm 1986, Nhà nước có chủ trương mở cửa, cảm nhận được thời cơ đã đến, 1 năm sau đó, ông xin nghỉ quốc doanh để ra làm tư nhân. Nhưng phải mất tới 4 năm, tức là vào năm 1990, tổ hợp sản xuất đồng hồ Gimiko mới ra đời từ vốn của ông Hiếu và 6 người bạn. Sản phẩm đầu tiên được người tiêu dùng vô cùng đón nhận và thích thú với loại đồng hồ có kiểu chuông bằng tiếng Việt, tiếng gà gáy cùng những mẫu mã đa dạng, độc đáo.

Năm 1983, nhiều cơ sở đồng hồ khác ra đời khiến thị trường cạnh tranh gay gắt hơn. Đáng nói, tình trạng ăn cắp mẫu mã xảy ra liên tục trong khi bảo hộ quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp thời bấy giờ gần như không tồn tại. Gimiko buộc phải cải tiến thường xuyên, từ quản lý sản xuất đến cung cách phục vụ, thiết kế mẫu mã... Nhưng đối với ông Hiếu, tình trạng ăn cắp bản quyền chính là động lực để mình sáng tạo hơn nữa.

Theo Toquoc.vn