Theo thông tin từ VTV, một trong 6 nội dung vi phạm của TikTok đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông thanh kiểm tra trong tháng 5 là TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái… Thực tế thời gian gần đây, TikTok shop đã trở thành nơi mua sắm online của hàng triệu người dùng. Việc sách giả, sách nhái lưu thông tràn lan trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử đang khiến các nhà xuất bản đau đầu và cũng làm nhiều độc giả hoang mang.
Là một người bận rộn nên chị Nguyễn Thị Hiền (Thành phố Hà Nội) thường xuyên mua sắm qua các kênh online. Nhưng cuốn sách chị vừa nhận được sau 3 ngày đặt hàng trên TikTok lại mang đến nhiều sự thất vọng. Sau khi mở ra thì có nhiều chữ lỗi, chất lượng in không tốt.
Các đối tượng dùng hình ảnh, video sách thật để quảng cáo nhưng sách tới tay độc giả lại là hàng kém chất lượng. Thậm chí, họ còn dùng chiêu trò thổi phồng giá bìa lên so với thực tế rồi giảm giá sâu để đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Sách giả tràn lan trên TikTok cần tỉnh táo khi mua. Ảnh: VTV
Chị Phùng Hà - Phụ trách Truyền thông của Nhà Xuất bản Kim Đồng cho biết: "Ví dụ sách của NXB Kim Đồng chỉ khoảng 28 nghìn đồng thôi, nhưng họ sẵn sàng tăng lên 59 - 60 nghìn đồng, sau đó họ dùng chiêu giảm giá sâu. Độc giả bình thường không phân biệt được sẽ rất dễ mua sách đó, bởi nghĩ sách được chiết khấu cao thì họ sẽ được hời. Thực ra kể cả chiết khấu cao nhưng so với sách mua của NXB Kim Đồng được chiết khấu bình thường thì cũng đã đắt hơn".
Chị N.T.Anh Thư (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết từng ôm cục tức vì ham sách lậu giá rẻ trên TikTok. Chị mua 2 quyển sách trên nền tảng TikTok với giá 128.000 đồng, trong khi giá niêm yết của nhà xuất bản là 358.000 đồng.
"Lúc đó vì tưởng mua được giá hời nên tôi không nghĩ nhiều. Nhận sách về, tôi rất thất vọng vì chất lượng không như mong đợi, giấy ngả vàng, màu mực không đồng nhất... Bằng mắt thường, tôi có thể nhìn thấy bìa sách bị in lệch sang một bên, trông rất cẩu thả", chị Thư nói.
Để làm rõ sự việc, chị Thư đến nhà sách tìm và đối chiếu với những quyển sách chính hãng. Nhận thấy sự khác nhau rõ rệt giữa sách thật và sách lậu, chị bức xúc và tự trách bản thân vô tình tiếp tay cho sách lậu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Lập - phó phòng kinh doanh Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) - cho biết chính ông cũng mua phải sách giả trên TikTok. Trong quá trình khảo sát thị trường sách trên TikTok, ông thử đặt mua và ngỡ ngàng với chất lượng sách nhận được.
Dù biết đã nhận phải hàng rởm, nhưng người dùng thường có tâm lý ngại đổi trả vì mua qua mạng. Và việc kiểm soát những shop online như thế này lại càng khó khăn.
Liên quan tới vấn đề này, TikTok cũng có động thái gỡ kênh khi có báo cáo của người dùng. Tuy nhiên, tài khoản này bị sập thì các tài khoản khác lại liên tiếp mọc lên. Thế nên, điều quan trọng là mỗi người dùng cần có ý thức tôn trọng bản quyền và cẩn thận chọn lựa đơn vị đủ uy tín để đặt tiền mua sách.
Đề cập tới vấn đề sách giả, sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt, khẳng định sách giả, sách lậu đang lan truyền trên không gian mạng nhanh, mạnh và nhiều không kém gì con virus. Việc buôn bán sách giả trên mạng đang khó kiểm soát. Các đối tượng đăng ảnh sách thật, quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50-70% để thu hút độc giả sau đó ‘ship’ đến những cuốn sách đầy lỗi chính tả, in ấn kém chất lượng".
Trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và ebook (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép, do đó chúng ta cần tiếp nhận khái niệm mới là “sách giả” để có thể nhận thức toàn diện mối nguy hại và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch - Bản quyền của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng tình trạng sách lậu đã trở thành thực trạng khiến các đơn vị phát hành sách “đau đầu” nhiều năm nay.