Xâm nhập dịch vụ đẻ thuê

Trong khi nhiều gia đình hiếm muộn tìm người mang thai hộ, nhiều phụ nữ nông thôn cũng muốn kiếm tiền lo cho gia đình, bản thân. Từ đó, những đường dây môi giới đẻ thuê, mang thai hộ bùng phát mạng xã hội…

Lật tẩy đường dây mang thai hộ tinh vi

Mới đây, ngày 28-6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội cho biết đã triệt phá một đường dây tổ chức đẻ thuê, mang thai hộ hoạt động tinh vi ngay trên mạng xã hội. Đường dây này vươn vòi bạch tuộc khắp các tỉnh thành trong cả nước, phân cấp nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng tham gia trong đường dây. "Nữ quái" cầm đầu là Đinh Thị Bình, sinh năm 1993, trú tại P414, tòa HH03C, Khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Cùng hỗ trợ Bình là chồng của cô ta, Dư Văn Linh, sinh năm 1990.

xam-nhap-dich-vu-de-thuedocx-1657984012406.jpeg
Vợ chồng Đinh Thị Bình tại căn nhà thuê làm địa điểm hoạt động môi giới đẻ thuê

Điều đáng nói là trong đường dây mang thai hộ này có nhiều người phụ nữ đẻ thuê đến từ nông thôn, họ khỏe mạnh, có sức lao động nhưng hoàn cảnh hết sức khó khăn. Họ chọn cách đi đẻ thuê kiếm tiền để nuôi những đứa con ruột của mình đang nheo nhóc ở quê. Thậm chí có cả những sinh viên trẻ tuổi, công nhân nghe theo lời dụ dỗ của những kẻ môi giới, bước chân vào đường dây đẻ mướn. Số tiền họ kiếm được từ việc đẻ thuê này là khá lớn, nên bất chấp vi phạm pháp luật, họ vẫn nhắm mắt làm liều, trở thành công cụ, phương tiện tiếp tay cho đường dây làm ăn phi pháp của vợ chồng Đinh Thị Bình.

Theo hồ sơ vụ việc, hai vợ chồng Đinh Thị Bình không có nghề nghiệp ổn định. Bản thân Bình sau nhiều năm lấy chồng không có con cũng đã phải dùng phương pháp khoa học để can thiệp. Ban đầu, Bình lần mò trên các hội nhóm của mạng xã hội để tìm hiểu thông tin, quy trình mang thai hộ, bán trứng, tinh trùng để phục vụ nhu cầu của bản thân. Sau khi sinh con thành công, nhận thấy nhu cầu nhiều người cần người mang thai hộ vì không thể sinh con, hoặc nhiều người cần tiền muốn mang thai hộ để lấy tiền nuôi sống gia đình, bản thân, Bình bắt đầu nảy sinh ý định tổ chức môi giới mang thai hộ, bán trứng để kiếm lời. Bình là người trực tiếp tìm khách trên các trang mạng và nhận khách về.

Trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng mang thai hộ, Bình một mặt đứng ra trực tiếp liên lạc với khách, một mặt giấu thông tin giữa 2 bên mang thai hộ và gia đình có nhu cầu nhờ mang thai hộ, nhằm tận thu tiền môi giới trung gian, đồng thời tránh việc đôi bên phá vỡ hợp đồng giữa chừng. Một luật bất thành văn của các đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại, đó là bí mật thông tin giữa cả gia đình có nhu cầu mang thai hộ và người đẻ thuê. Trong hợp đồng mang thai hộ thường đều ghi rất rõ các điều khoản xét nghiệm ADN ngay trong vòng 24h sau sinh và các điều khoản "cắt đứt liên lạc hoàn toàn" ngay sau khi sinh…

xam-nhap-dich-vu-de-thuedocx-1657984012605.jpeg
Vợ chồng Đinh Thị Bình tại cơ quan điều tra

Sau những thỏa thuận ban đầu, Đinh Thị Bình tổ chức những buổi gặp gỡ cho người muốn mang thai hộ với các gia đình có nhu cầu thuê. Thực chất đây là những cuộc lựa chọn - xem mặt, xem tính cách, kiểm tra sức khỏe để người thuê quyết định "xuống tiền".

Nhằm tạo lòng tin với khách, Bình thuê một căn hộ chung cư tại tòa HH2B Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội để làm nơi giao dịch, tiếp khách, giới thiệu dịch vụ của mình. Trong căn phòng thuê này, Bình trang trí bày biện như căn hộ riêng của vợ chồng mình để sắp xếp các cuộc "xem mặt" giữa khách và người mang thai hộ. Đồng thời cắt cử thêm vài người mang thai hộ đang mang bầu đến tiếp khách cùng mình, nhằm tạo niềm tin cho khách hàng về những giao dịch đã thành công trước đó.

Ngoài căn phòng chính được thuê làm nơi tiếp khách, Bình còn thuê hai căn hộ cũng trong khu Khu đô thị Thanh Hà, để tổ chức nuôi nhốt phụ nữ mang thai hộ và bán trứng. Mỗi căn phòng được Bình chia thành từng ô nhỏ bằng vách ngăn thạch cao, vừa đúng một chiếc giường để cho những người phụ nữ mang thai hộ ở. Để tránh bị phát hiện, Bình khôn ngoan không bao giờ tuyển chọn người lạ mang thai hộ. Đa phần đều quen biết hoặc qua mối lái.

Điểm mối lái người mang thai hộ cũng được Bình liên tục thay đổi và được trang bị camera giăng kín từ cổng đến khắp các góc, các phòng của nhà. Mỗi điểm Bình chỉ cho ở tối đa 3 người mang thai hộ, đồng thời cắt cử người quản lý, còn Bình quản lý chung qua hệ thống camera. Trong suốt thời gian mang thai hộ, Bình tuyệt đối không cho phép người mang thai hộ ra ngoài, hay tiếp xúc, liên lạc với bất kỳ ai, nhằm tránh trường hợp người mang thai hộ, bán trứng bỏ trốn.

Tại các điểm, đối với những phụ nữ đang trong thời gian "chờ khách", Bình thường xuyên cho dùng thuốc kích trứng để bán. Giá mỗi lần bán trứng khoảng 22 triệu đồng. Mỗi lần kích có thể lấy được nhiều trứng, sau đó sẽ được sàng lọc, tạo phôi. Toàn bộ quá trình kích trứng và lấy trứng đều được thực hiện tại các bệnh viện. Trường hợp chưa bán được trứng thì Bình gửi vào ngân hàng tích trữ trứng, tinh trùng của các bệnh viện, đợi khi có khách thì đem bán.

Để hợp thức hóa hồ sơ của cả khách và người mang thai hộ, Đinh Thị Bình và chồng còn tổ chức một đường dây làm giấy tờ giả tinh vi bao gồm giấy đăng ký kết hôn để hợp thức hóa việc mang thai hộ, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy ra vào viện, giấy chứng sinh… Khám xét tại một nơi nuôi nhốt người mang thai hộ của đường dây này, lực lượng công an phát hiện máy tạo phôi dấu, 55 hình mẫu dấu tròn bằng silicon của nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, UBND và công an các cấp của các tỉnh, thành trên cả nước, nhiều dấu tên, chức danh, mẫu phôi giấy đăng ký kết hôn... Đây là công cụ phục vụ việc làm giả giấy tờ để hợp thức hóa hồ sơ.

Giữ vai trò sản xuất hồ sơ giả là Đinh Thị Thiện, sinh năm 1995; Nguyễn Bá Minh, sinh năm 1990, là em ruột và em rể của Bình. Trong quá trình hoạt động, Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh còn làm giả nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, sau đó rao bán trên mạng với giá 500 nghìn đến 1 triệu đồng để kiếm lời.

Tinh vi hơn, để tránh bị phát hiện giấy tờ giả, các đối tượng Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh đã tập chép theo chữ ký của các lãnh đạo bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo UBND, Công an các tỉnh, thành. Do vậy, giấy tờ giả trong hồ sơ đều có chữ ký "tươi".

Khám xét tại một địa điểm nuôi nhốt người mang thai hộ khác, lực lượng Công an phát hiện 7 phụ nữ đang ăn ở tập trung tại đây. Trong đó có 5 phụ nữ đang mang thai, cùng nhiều giấy tờ như đăng ký khám, giấy ra viện, giấy chứng nhận kết hôn, các biên lai thu tiền, mẫu hợp đồng mang thai hộ và sổ chi trả tiền cho những phụ nữ mang thai hộ.

Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã bắt khẩn cấp Đinh Thị Bình, Dư Văn Linh, Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Riêng hai đối tượng Đinh Thị Thiện và Nguyễn Bá Minh bị bắt thêm về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Vẫn khó kiểm soát việc mang thai hộ

Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-3-2015. Theo đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm chờ xét duyệt hồ sơ mới có cơ hội được phép cho mang thai hộ. Ngoài ra, việc nhờ người mang thai hộ phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng thì mới được nhờ mang thai hộ. Chính vì quy định khắt khe, nên rất nhiều cặp vợ chồng không thể đáp ứng được tất cả các thủ tục, buộc họ phải tìm đến các "dịch vụ" đẻ thuê tràn lan trên mạng.

xam-nhap-dich-vu-de-thuedocx-1657984012767.jpeg
Những lời mời chào mang thai hộ, hiến trứng nhan nhản trên hội nhóm

Không chỉ vi phạm pháp luật, việc thực hiện dịch vụ mang thai hộ chui chứa đựng nhiều rủi ro cho cả người nhờ mang thai hộ lẫn người thực hiện dịch vụ. Hiện nay, mạng xã hội phát triển càng khiến cho hoạt động môi giới này diễn ra mạnh mẽ hơn và khó đấu tranh hơn. Những đối tượng môi giới thường dùng số điện thoại "rác", tài khoản mạng xã hội ảo để hoạt động và rất ít khi lộ diện nên khó xác định danh tính.

Chỉ cần gõ cụm từ "dịch vụ đẻ thuê", hay "dịch vụ mang thai hộ" trên trang mạng, có đến hàng chục nhóm kín hiện ra với số lượng thành viên từ vài chục đến cả trăm ngàn thành viên. Bên trong các hội nhóm này là những cuộc thảo luận, bàn tán rôm rả về những trường hợp hiếm muộn, các phương pháp chữa trị…

Theo tìm hiểu của phóng viên, một ca mang thai hộ có giá từ 300 - 450 triệu đồng/ca. Đối tượng mang thai hộ phải dưới 40 tuổi. Nhưng giá cả còn phụ thuộc vào gói dịch vụ của khách. Nếu nuôi ăn ở Việt Nam sẽ có giá khác, nếu sang Campuchia chuyển phôi thì có một giá khác. Điều kiện để mang thai hộ cũng hết sức đơn giản, người muốn mang thai hộ chỉ cần gửi các thông tin liên quan đến năm sinh, chiều cao, cân nặng và số lần sinh (sinh thường hay mổ) để đối tượng môi giới "thẩm định".

Theo CAND

https://cand.com.vn/Phong-su/xam-nhap-dich-vu-de-thue-i659263/