Thị trường đột ngột bị bán tháo kinh hoàng trong phiên chiều nay, thanh khoản riêng buổi chiều tới hơn 20,4 ngàn tỷ đồng khớp lệnh hai sàn. Tính chung cả ngày, tổng giao dịch 3 sàn đạt trên 35,1 ngàn tỷ đồng, cao nhất 6 tháng. VN-Index bốc hơi 1,25% (-15,31 điểm), với số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4 lần số tăng và khối ngoại bán ròng tiếp hơn 780 tỷ đồng.
Điểm nhấn hôm nay là thanh khoản, mức giao dịch quá đột biến luôn là bất thường. Chỉ tính riêng khớp lệnh, tổng giao dịch 2 sàn đạt 32,2 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 22/9/2023. Tiếc rằng mức giao dịch quá lớn này lại đi cùng với đà giảm giá la liệt ở cổ phiếu. VN-Index đóng cửa với 98 mã tăng/414 mã giảm.
Sàn HoSE có tới 136 cổ phiếu giảm trên 2% là biên độ giảm rất mạnh. Không chỉ vậy, nhóm này chiếm tới 49% tổng thanh khoản cả sàn. Điều này xác nhận áp lực xả cực mạnh đang diễn ra.
Thị trường không “tìm thấy” thông tin gì có thể lý giải biến động bất ngờ hôm nay. Trước khi rơi vào nhịp giảm chóng mặt, VN-Index trong khoảng 15 phút đầu phiên chiều còn tăng tới 1,1% tương đương gần 14 điểm. Như vậy chỉ số đã có cú bổ nhào tới -2,32% chỉ trong hơn 1 giờ cuối phiên chiều.
Dẫn đầu cú lao dốc này vẫn là các trụ đã dẫn thị trường lên vừa qua: VIC giảm 5,04%, VHM giảm 3,35%, GAS giảm 1,93%, CTG giảm 1,4%... Trong nhóm trụ duy nhất BID tăng 4,52% là níu giữ chỉ số, nhưng không thể bù đắp được phía giảm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,14% với 2 mã tăng và 28 mã giảm, 11 mã trong nhóm này giảm trên 2% và 9 mã khác giảm từ 1% tới 2% so với tham chiếu.
Rổ VN30 cũng chứng kiến mức thanh khoản tăng đột biến gần gấp đôi ngày hôm qua với 13.731 tỷ đồng, mức cao chưa từng thấy kể từ cuối tháng 11/2021. Sức ép cực lớn xuất hiện tại STB với 1.045,5 tỷ đồng, giá giảm 1,29%; CTG với 932,5 tỷ, giá giảm 1,4%; TPB với 858,7 tỷ, giá giảm 2,3%; VPB với 837,4 tỷ giá giảm 1,02%; SSI với 832,4 tỷ, giá giảm 1,44%; MWG với 785,5 tỷ, giá giảm 2,87%... Có thể thấy nhóm ngân hàng đang bị xả đang bị xả rất dữ dội. Tổng giá trị khớp lệnh các mã ngân hàng trên HoSE lớn chưa từng thấy với 9.840 tỷ đồng. Nhóm này cũng chỉ còn 4/27 mã xanh.
Ngoài BID, toàn bộ các cổ phiếu lớn khác đều giảm giá. VJC là mã duy nhất còn lại trong rổ VN30 tăng, nhưng vốn hóa chỉ đứng thứ 23 trong VN-Index. Như vậy các trụ đã đổ gục phiên này và không có gì khó đoán khi chỉ số cũng mất quá nhiều điểm. Diễn biến này tác động rất mạnh đến tâm lý chung: Lúc 13h15 độ rộng vẫn còn cân bằng 238 mã tăng/234 mã giảm, nhưng đến khoảng 14h05 khi VN-Index bắt đầu đỏ, chỉ còn 156 mã tăng/327 mã giảm. Chốt phiên VN-Index thảm bại với 98 mã tăng/414 mã giảm.
Thực tế này cho thấy khả năng duy trì độ phân hóa ở cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nâng đỡ điểm số. Nếu VN-Index sụt giảm với biên độ lớn – có thể do trụ tác động – thì tâm lý suy yếu rất nhanh và kích hoạt các giao dịch bán tháo. Midcap đóng cửa cũng giảm 1,81%, Smallcap giảm 1,72%. Rất hiếm cổ phiếu còn có thể đi ngược sức ép này.
HoSE kết phiên với 37 mã tăng trên 1%, đại đa số thanh khoản không đáng kể. Số đáng chú ý có BMP tăng 5% với 55,9 tỷ đồng khớp lệnh; BID tăng 4,52% với 363,1 tỷ; EVF tăng 4% với 643,3 tỷ; ST8 tăng 3,68% với 88,3 tỷ; FRT tăng 3,48% với 80,7 tỷ; PAN tăng 1,75% với 191,2 tỷ; IDI tăng 1,28% với 99 tỷ; TCM tăng 1,18% với 73,5 tỷ.
Phía giảm giá thì quá nhiều, HoSE ghi nhận 65 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng hôm nay thì tới 61 mã đỏ, trong đó 37 mã giảm từ 2% trở lên. DBC, PC1, VIC, LCG, CTD, CII… là các đại diện giảm cực mạnh với thanh khoản cao chóng mặt.
Khối ngoại tiếp tục “đổ dầu vào lửa” khi bán ròng trên 767 tỷ đồng ở HoSE hôm nay. Loạt mã bị bán dữ dội là VPB -195,5 tỷ, MWG -183,1 tỷ, VIX -140,9 tỷ, TPB -77,9 tỷ, MSN -76,2 tỷ, SSI -64,9 tỷ, HDB -50,3 tỷ… Phía mua cũng có DGC +119 tỷ, EVF +95 tỷ, VRE +49,5 tỷ, VNM +36,5 tỷ.
Đây là phiên bán ròng khủng thứ hai liên tiếp, sau phiên xả 920 tỷ đồng hôm qua. Khối này đã đảo ngược hoàn toàn vị thế mua ròng trong tháng 1/2024, thậm chí còn bán nhiều hơn.
Biên độ giảm hôm nay của VN-Index hôm nay cũng là lớn nhất kể từ phiên ngày 23/11 năm ngoái. Diễn biến này xuất hiện đúng thời điểm chỉ số đang tiệm cận đỉnh cao nhất năm 2023, là một mốc kháng cự quan trọng. Độ rộng quá hẹp cho thấy tâm lý chốt lời thoát hàng đang diễn ra phổ biến và nhà đầu tư phản ứng trước mặc dù VN-Index còn chưa kiểm định lại đỉnh cao cũ.
Theo Vneconomy