Mất tiền tỷ khi đi học làm giàu
Câu chuyện có thật được bà Nguyễn Thị Thùy Chi - Trưởng phòng Tài chính cá nhân Công ty cổ phần FIDT - chia sẻ với phóng viên Dân trí. Bà Thùy Chi cho biết, một khách hàng của công ty từng tham gia khóa học làm giàu của một diễn giả khá nổi tiếng trong cộng đồng.
Sau khi người này tham gia khóa học và tin tưởng vào người đứng đầu thì được chia sẻ về kế hoạch phát triển tổ chức đào tạo. Người nổi tiếng này nêu muốn phát triển tổ chức và đang cần vốn. Những học viên như vị khách hàng trên được mời tham gia hợp tác góp vốn đầu tư và chia sẻ lợi nhuận.
Vị khách này sau đó rất tin tưởng và ký hợp đồng góp vốn khoảng 2-3 tỷ đồng. Khoảng 1-2 tháng đầu tổ chức này vẫn chi trả lợi nhuận đúng như cam kết. Tuy nhiên hơn một năm nay, học viên này không còn nhận được lợi nhuận như trong hợp đồng.
Khách muốn nhận lại phần vốn nhưng lại nhận được câu trả lời từ phía tổ chức dạy làm giàu rằng đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính và không chi trả. Vị khách đã tiến hành khởi kiện song mọi việc vẫn đang bế tắc. Đặc biệt, theo lời chuyên gia, vị khách hàng không phải người lớn tuổi mà là người có kiến thức, hiểu biết và rất giỏi trong lĩnh vực của họ.
"Theo mình biết, ngoài vị khách hàng đó còn có rất nhiều người ký hợp đồng góp vốn với tổ chức đào tạo này. Họ vẫn tiếp tục quảng cáo. Người đứng đầu tổ chức này rất nổi tiếng", bà Chi chia sẻ.
Bà Thùy Chi nói, hiện tượng bùng nổ các khóa học làm giàu "lùa gà" đến từ nhu cầu nâng cao nhận thức tài chính cá nhân của người dân. Ngày càng nhiều người mong muốn tìm hiểu các khóa học đầu tư, tài chính để hiểu về tài chính cá nhân cũng như giải quyết các vấn đề của mình. Ngoài ra, xu hướng nghỉ hưu sớm, tự do tài chính cũng thúc đẩy giới trẻ tìm hiểu về đầu tư, tài chính, chứng khoán hay làm giàu.
Tất cả yếu tố này cộng hưởng lại dẫn tới việc có các tổ chức lợi dụng các khóa học đầu tư, kinh doanh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay nói một cách dân dã là lùa gà.
Dấu hiệu của các khóa học làm giàu lùa gà
Tâm lý muốn đổi đời nhanh, làm giàu nhanh khiến các khóa học này được nhiều người dân quan tâm và tham gia. Để tránh được việc mất tiền oan vì học làm giàu, bà Thùy Chi cho rằng cần nâng cao dân trí về tài chính, biết cách nhận diện ra những khóa học "lùa gà", các phương thức kêu gọi đầu tư lừa đảo.
Theo đó, trước khi quyết định ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư người dân cần phải hiểu về vấn đề pháp lý của hợp đồng, hoạt động kinh doanh của tổ chức mình định góp vốn vào cũng như số liệu, báo cáo tài chính của tổ chức đó. Bà cho biết khi tham gia ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh này thì thường sẽ mất tiền, rất khó để có thể lấy lại vốn.
Chuyên gia cũng chỉ ra 2 dấu hiệu của các khóa học làm giàu núp dưới bóng lừa đảo đa cấp.
Thứ nhất là sau khi học xong, học viên sẽ phải bỏ tiền ra mua sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Những khóa học như vậy có đặc điểm giống các hình thức lừa đảo chiếm dụng vốn đã từng xảy ra trên thị trường. Ban đầu người tham gia sẽ được trả lợi nhuận khá cao để tạo sự tin tưởng. Sau đó, họ được yêu cầu tăng dần vốn góp lên.
Dấu hiệu thứ hai là tỷ suất cam kết lợi nhuận đầu tư cao.
Bà Chi chia sẻ, tỷ suất sinh lời trung bình của các kênh đầu tư tại Việt Nam không thể quá cao. Ví dụ, nếu đúng chu kỳ, đầu tư đất có thể giúp gia tăng gấp 2-3 lần nhưng nhà đầu tư cũng cần nắm giữ 5-7 năm và vào đúng thời điểm. Thực tế, những trường hợp lãi bằng lần như vậy cũng không phải quá nhiều.
Ví dụ khác là từ đầu năm đến nay, tỷ suất sinh lời của loại hình đầu tư chứng chỉ quỹ khoảng 20-30% nhưng giai đoạn nửa cuối năm cũng chưa thể biết sẽ đạt hiệu suất ra sao. Những năm kinh doanh tốt, chứng chỉ quỹ có thể đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 15-20%/năm nhưng các công ty quản lý quỹ cũng không bao giờ cam kết tỷ suất.
Vì vậy các hợp đồng đầu tư góp vốn hay tổ chức cam kết lợi nhuận 30-40%/năm thì chắc chắn là dấu hiệu của lừa đảo.
Theo Dân trí