Theo trang SCMP, các nhà khoa học ghi nhận nhiệt độ thế giới trong ngày 22/7 đã xác lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất. Nói cách khác, Trái Đất đã trải qua ngày nóng nhất.
Nhiệt độ mùa đông cao hơn thông thường ở Nam Cực đang góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu tới những mốc mới.
Theo dữ liệu sơ bộ từ cơ quan giám sát của Liên minh Châu Âu, thế giới ghi nhận ngày nóng nhất vào thứ Hai (ngày 22/7), khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,15 độ C, cao hơn kỷ lục của ngày trước đó (21/7) là 17,09 độ C.
Theo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) - cơ quan đã theo dõi dữ liệu đó từ năm 1940, khi các đợt nắng nóng lan rộng khắp thế giới và cháy rừng nhấn chìm nhiều khu vực ở Địa Trung Hải, Nga và Canada, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên 17,15 độ C vào ngày 22/7. Con số này cao hơn 0,06 độ so với kỷ lục hôm 21/7.
Kỷ lục nhiệt độ năm nay trở nên bất thường. Không giống như năm 2023 hay năm 2016, thế giới vào tháng 4 đã thoát khỏi mô hình khí hậu El Nino.
Ông Karsten Haustein, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leipzig ở Đức cho biết điều đáng chú ý là kỷ lục này lại bị phá vỡ một lần nữa khi thế giới đang bước vào giai đoạn "trung lập" của El Niño–Dao động phương Nam (ENSO). El Niño–Dao động phương Nam (ENSO) là sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương nhiệt đới.
"Ngày 22/7 có thể đã thiết lập kỷ lục toàn cầu mới về nhiệt độ trung bình toàn cầu, ghi nhận ấm nhất từ trước đến nay", ông Haustein nhấn mạnh.
Diễn biến ở châu Á
Những ngày gần đây, các thành phố ở Trung Quốc và Nhật Bản đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Trung Quốc đã đưa ra một loạt cảnh báo nắng nóng trong tuần này. Hàng chục trạm thời tiết ở các vùng miền trung và tây bắc nước này ghi nhận nhiệt độ hơn 40 độ C.
Thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo nắng nóng vào sáng 24/7 sau khi nhiệt độ lên tới 42,2 độ C vào ngày 23/7.
Hay Đài Loan (Trung Quốc) đang chuẩn bị ứng phó với tác động của cơn bão Gaemi hôm 24/7. Các nhà máy và thị trường tài chính đã đóng cửa tạm thời trong bối cảnh dự báo sẽ có mưa lớn. Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo bão đỏ.
Các nhà khoa học nhận định biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão trở nên dữ dội hơn, có khả năng đạt tốc độ gió lớn hơn và tạo ra nhiều mưa hơn.
Nhật Bản cũng đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong suốt tháng 7. Cảnh báo say nắng đã được ban hành tại 39/47 tỉnh của đất nước vào ngày 22/7.
Nắng nóng khắc nghiệt xảy ra ở nhiều quốc gia
Hơn 40 triệu người dân Mỹ hôm 23/7 đã trải qua nắng nóng khắc nghiệt, hầu hết ở miền Tây nước Mỹ khi xảy ra gió giật mạnh và điều kiện khô hạn đã gây ra hàng chục vụ cháy rừng.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ khẳng định nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục bao trùm khắp các khu vực nước này trong ngày 24-25/7, trước khi nhiệt độ ôn hòa hơn vào ngày 26/7.
Tỉnh Alberta ở miền tây Canada cũng đang chật vật với hàng chục vụ cháy rừng khiến hàng nghìn người phải sơ tán, bao gồm cả Công viên Quốc gia Jasper vào tối 22/7.
Ngay cả Bắc Cực cũng đang phải hứng chịu những đợt nắng nóng.
Nhiệt độ ở thành phố Fairbanks ở Alaska (Mỹ) ghi nhận 31 độ C vào ngày 24/7 trong khi nhiệt độ ở các vùng thuộc Bắc Cực (Canada), Nga và Na Uy cao hơn 9 độ so với mức trung bình từ năm 1979 đến năm 2000 vào cùng thời điểm này trong năm.
Nga hiện đang phải vật lộn với hàng chục vụ cháy ở Siberia trong những ngày gần đây khi trải qua mùa hè nóng bất thường.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ cao gay gắt trong đợt nắng nóng thứ hai vào mùa hè, xảy ra vào ngày 23/7, chỉ 4 ngày sau khi đợt nắng nóng đầu tiên kết thúc. Đáng chú ý, đợt nắng nóng gay gắt vào 24/7 gây ra một vụ cháy rừng ngoài tầm kiểm soát ở phía đông bắc đất nước.
Cơ quan thời tiết AEMET của Tây Ban Nha đã ra cảnh báo 1/2 lãnh thổ Tây Ban Nha đã phát báo động màu cam vì nắng nóng. Trong khi đó, một phần khu vực phía đông Extremadura cảnh báo tình trạng báo động đỏ, với nhiệt độ tối đa là 44 độ C.
Trong khi đó, đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay ở Hy Lạp đã chính thức kết thúc vào ngày 24/7 sau 16 ngày liên tiếp.
Các nhà khoa học cho rằng việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện nay./.