Thế giới quay cuồng lạm phát, người dân “sấp ngửa” với cơm áo gạo tiền

Người dân khắp nơi đang chật vật “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh hàng hóa tăng giá, triển vọng kinh tế ngày một xấu đi.

Châu Âu “nóng” lên trước cú sốc giá tiêu dùng

"Với 1 đồng euro bây giờ, bạn còn chẳng mua được một bịch đậu phộng rang bé xíu để mà lót dạ nữa. Giá cả đang ngoài tầm kiểm soát và chẳng có hy vọng mong manh nào là nó sẽ sớm hạ nhiệt", anh Jonauskas, lái xe taxi tại Klaipeda, thành phố lớn thứ ba ở Lithuania cho hay.

Khách du lịch ngày càng vắng bóng, trong khi những người Ukraine ở Lithuania thì lại phải đo đếm từng xu mỗi lần chi tiêu. Đây là nguyên nhân khiến thu nhập của Jonauskas cũng như những người làm công ăn lương khác ngày càng eo hẹp, giữa bối cảnh lạm phát tại Lithuania đã lên đến 16,6% trong tháng 4.

Cú sốc kinh tế của cuộc xung đột được thấy rõ nhất ở châu Âu, đặc biệt là ở những nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga.

Theo thống kê tháng 4 của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 1/3 các nước EU có lạm phát từ 10% trở lên, trong đó các nước ở khu vực Baltic như Estonia, Lithuania và Bulgaria có mức tăng giá tiêu dùng cao nhất.

Eurostat nhận định, giá cả tiêu dùng, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng tại châu Âu liên tục tăng cao kỷ lục trong 7 tháng qua khiến chỉ số lạm phát trong tháng 5 tại khu vực đồng Euro đã lên tới 8,1%.

Bên ngoài khu vực EU, lạm phát tại Nga được lý giải bởi những thiệt hại kinh tế nặng nề do các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây. Trong tháng 3, con số này đã tăng lên 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2015, theo dữ liệu của Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat).

Các chuyên gia của ngân hàng Renaissance Capital dự đoán, lạm phát của Nga sẽ đạt đỉnh ở mức 24% vào mùa hè này.

Lạm phát tại Anh, Mỹ tiếp đà tăng kỷ lục

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), lạm phát tại Mỹ tiếp tục leo thang trong tháng 4, đè nặng lên túi tiền của người tiêu dùng và đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,3%, giảm nhẹ so với tháng trước đó. Vào tháng 3, CPI của Mỹ tăng 8,5%, mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường The NPD Group chỉ ra, cứ 10 người tiêu dùng Mỹ thì có hơn 8 người đang lên kế hoạch tính toán lại, hoặc giảm chi tiêu trong 3-6 tháng tới. Khi giá cả liên tục tăng cao, người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn, ngừng chi tiêu cho những thứ không cần thiết như ăn hàng và mua sắm bớt tùy hứng hơn.

367-z3477251486739959bfd65003ee8d29239ad274e323050.jpg
Người dân khắp thế giới đang đau đầu với các cơn bão giá.

Tại Anh, giá tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Tỷ lệ lạm phát hằng năm đã tăng từ mức 6,2% hồi tháng 2 lên 7% trong tháng 3. Sự tăng giá trên diện rộng, từ nhiên liệu đến thực phẩm và đồ nội thất là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao.

Tình cảnh này khiến người dân Anh phải “thắt lưng buộc bụng” đối với nhiều khoản chi tiêu cơ bản. Có tới 1/5 số hộ gia đình đang vật lộn thanh toán hóa đơn truyền hình, internet và điện thoại, theo nghiên cứu của Cơ quan quản lý viễn thông Anh (Ofcom). Một số hộ thậm chí còn hủy dịch vụ hoặc cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo để trả chi phí sinh hoạt hằng tháng.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo, lạm phát cao sẽ khiến thu nhập sau thuế của các hộ gia đình lao động giảm 2% trong năm nay và 0,5% vào năm 2023, trong khi nhu cầu suy yếu sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 5% trong thời gian 3 năm.

Sắc u ám bao trùm trên diện rộng

“Cơn bão” lạm phát đang càn quét khắp thế giới khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận xu hướng tăng giá bất ngờ và tình hình kinh tế kém triển vọng.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, cho biết ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine "đang được cảm nhận trên toàn thế giới khi giá năng lượng và lương thực tăng cao đang tác động đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Đông."

Ở một số nước Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng để kiềm chế lạm phát tăng cao khiến triển vọng kinh tế xấu đi nhanh chóng. Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) ngày 27/4 đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng của khu vực.

Mặc dù thấp hơn so với các khu vực khác, lạm phát tại châu Á cũng đang tăng sau khi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh trên toàn cầu. Trong công bố mới nhất vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở châu Á hiện dự kiến đạt 3,4% trong năm 2022, cao hơn 1% so với dự báo hồi đầu năm. Đặc biệt, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ hay Sri Lanka đang đối diện với rủi ro cao hơn về lạm phát.

Đối với Việt Nam, diễn biến lạm phát trong năm 2022 đang có những yếu tố hỗ trợ nhất định khi so sánh với tương quan lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nhiều khả năng lạm phát sẽ không còn có thể duy trì mặt bằng thấp như trong thời gian vừa qua, dự báo sẽ nằm trong khoảng 4 - 4,5%.