Hãng The Body Shop nộp đơn theo chương 7 của Luật phá sản Mỹ, đồng nghĩa tài sản tại đây sẽ bị bán để trả nợ. The Body Shop hiện có khoảng 400 lao động ở Mỹ, gồm nhân viên tại một trung tâm phân phối có số hàng hóa trị giá hàng triệu USD.
Theo The Guardian, ở thời điểm xin phá sản, hãng mỹ phẩm của Anh còn khoảng 50 cửa hàng tại đây. Chuỗi mỹ phẩm cho biết sẽ dần đóng các cơ sở này.
Tại Canada, khoảng 30% cửa hàng của hãng đã đóng cửa, hơn 200 lao động bị mất việc.
Còn tại Australia, hãng mỹ phẩm The Body Shop còn hơn 100 cơ sở. Tuy nhiên, họ đang chật vật vì thiếu tiền mặt trả cho các nhà cung cấp, sau khi công ty mẹ tại Anh thông báo mất khả năng thanh toán.
Thành lập năm 1976 tại Brighton (Anh) bởi nhà hoạt động vì quyền động vật và nhân quyền Anita Roddick, The Body Shop là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực mỹ phẩm được mô tả là "có đạo đức", tức không thử nghiệm trên động vật.
Hãng The Body Shop phát triển theo cấp số nhân vào những năm 1980, mở hai cửa hàng mỗi tháng. Tuy nhiên, chuỗi này ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt từ những thương hiệu mới.
Năm 2006, The Body Shop được L'Oreal mua lại. Đến 2017, họ được sang tay cho nhà sản xuất mỹ phẩm Brazil Natura&Co với giá một tỷ euro. Tháng 11/2023, Natura tiếp tục bán thương hiệu này cho Aurelius Group, giá 207 triệu bảng Anh (260 triệu USD) do khó khăn về lợi nhuận.
Thách thức tài chính kéo dài, cùng môi trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh khiến hãng mỹ phẩm Anh gặp khó. Tháng trước, The Body Shop tại Anh thông báo mất khả năng thanh toán. Aurelius đã chỉ định hãng kiểm toán FRP Advisory giám sát quá trình tái cơ cấu của hãng mỹ phẩm này.
Theo VnExpress